Vận tải hàng hóa sẽ là sản phẩm chính của ngành đường sắt

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 02/02/2022 11:00 GMT+7

VTV.vn - Ngành đường sắt đã chuyển hướng sang vận tải hàng hóa trong nước và liên vận quốc tế để đảm bảo nguồn thu sau hơn 2 năm qua dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đường sắt phát triển vận tải hàng hóa

Do dịch COVID-19 nên có những thời điểm Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải dừng hoàn toàn hoạt động vận tải khách để đảm báo giãn cách phòng dịch. Đến nay, các chuyến tàu đã đón khách trở lại nhưng khách vẫn chưa đông. Thậm chí, cao điểm vận tải khách dịp Tết cũng không còn cảnh đông đúc như mọi năm.

Ga Hà Nội - một trong những ga đón khách đi tàu lớn nhất nhưng nhiều thời điểm lượng khách cũng chỉ lác đác. Dịch bệnh đã làm người dân ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, sự phát triển của hàng không mạnh mẽ hơn, hàng loạt các ưu đãi giá vé, hàng loạt đường bay mới mở, rất thuận tiện cho người dân. Vì vậy, phát triển vận tải khách không còn là ưu tiên lựa chọn.

"Thời gian tới chúng tôi xác định vận tải hàng hóa là sản phẩm chính của ngành đường sắt. Tổng công ty cũng đã có sự chuẩn bị về phương tiện, sức kéo, đầu máy toa xe", ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Vận tải hàng hóa sẽ là sản phẩm chính của ngành đường sắt - Ảnh 1.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục chuyển trọng tâm sang vận tải hàng hóa. Ảnh: TTXVN.

Một trong những thành công trong vận tải hàng hóa năm qua là tổ chức thành công các đoàn tàu vận chuyển container sang châu Âu. Đây là những đoàn tàu chuyên tuyến có nghĩa không dừng thực hiện cắt, nối toa xe tại các ga dọc đường. Thời gian di chuyển được đảm bảo nên dù mới được tổ chức nhưng nhiều khách hàng đã ưu tiên lựa chọn.

Tuy nhiên, hiện ngành đường sắt cũng mới chỉ có 700 toa xe có khả năng vận chuyển container. Việc đầu tư đóng mới toa xe gặp những khó khăn lớn về kinh phí.

"Cả ngành có 4.124 toa xe hàng. Số lượng toa xe chuyên chở container chỉ chiếm chưa đến 20%. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động hoán cải các loại toa xe để có thể trở thành toa xe đa dụng, tăng thêm lượng toa xe chở container", ông Nguyễn Chính Nam - Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Dù còn những khó khăn nhưng chiến lược tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến vận chuyển container sang châu Âu đang rất khả quan.

Hiện tại khu xếp dỡ ở ga Yên Viên đã cần đến 2 máy cẩu làm việc hết công suất mới đảm bảo khối lượng. Thời gian tới, hoạt động ở khu vực này chắc sẽ còn sôi động hơn khi đường sắt sẽ tổ chức chạy tàu hàng ngày chứ không chỉ dừng lại ở mức 3 - 4 đoàn tàu 1 tuần hiện nay.

Tuyến đường sắt liên vận quốc tế phát huy hiệu quả

Cùng với tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến vận chuyển hàng xuất khẩu sang châu Âu, ngành đường sắt cũng đẩy mạnh phát triển vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế. Điều này cũng đã phát huy được hiệu quả, nhất là trong thời gian vừa qua việc vận chuyển hàng xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu hàng đồ gỗ mỹ nghệ nhưng phải đến 2 tháng gần đây anh Long (Đường Hùng Vương, TP Lạng Sơn) mới chuyển sang sử dụng đường sắt làm phương tiện vận chuyển hàng qua biên giới.

Theo anh vận chuyển bằng đường sắt thời gian và chi phí nhiều hơn đường bộ nhưng với điều kiện dịch bệnh hiện nay đây là lựa chọn cần thiết.

"Tình hình cửa khẩu đông nên chuyển sang đường sắt, tôi thấy cũng thuận tiện, nhanh nhẹn hơn. Hải quan cũng tạo điều kiện nhiều cho xuất khẩu qua đường sắt", anh Long cho hay.

Có lẽ xuất phát từ lý do trên mà ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn đường sắt để vận chuyển hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Minh chứng cụ thể là hiện ga Đồng Đăng đã tổ chức chạy 5 đôi tàu qua, về với ga Bằng Tường.

Vận tải hàng hóa sẽ là sản phẩm chính của ngành đường sắt - Ảnh 2.

Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa trong năm 2021 đạt trên 70%, tăng gấp đôi so với những năm trước đây.

Trong điều kiện kho hàng và bãi bốc xếp của ga Đồng Đăng còn hạn chế ngành đường sắt đã tính đến giải pháp lập tàu và xếp dỡ hàng hóa tại các ga sâu trong nội địa. Đồng thời triển khai thêm những phương thức vận tải mới để giảm thời gian, chi phí cho các chủ hàng.

Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay: "Đường sắt cũng đã chủ động để thực hiện theo phương thức vận tải từ kho đến kho, tức khi chủ hàng có nhu cầu liên hệ với tổng công ty đường sắt hoặc các đơn vị vận tải của đường sắt. Đường sắt đứng ra phối hợp với chủ hàng để lo từ khâu để lo từ khâu thông quan, kiểm dịch và vận chuyển hàng đến các khu ga để lập tàu vận chuyển".

Lợi thế của đường sắt là khả năng vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn và có thể chủ động tính toán về thời gian. Trong khi đó, thị phần vận tải khách ngày càng bị thu hẹp do khó cạnh tranh với hàng không thì chủ trương lựa chọn phát triển vận tải hàng hóa là trọng tâm, hướng đi đúng của ngành đường sắt.

Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa trong năm 2021 đạt trên 70%, tăng gấp đôi so với những năm trước đây. Con số này sẽ không dừng lại nếu như đường sắt được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống kho bãi bốc xếp hàng hóa cũng như những tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp hay cảng biển.

Phó Thủ tướng: Cần cách nghĩ, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn Phó Thủ tướng: Cần cách nghĩ, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn

VTV.vn - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu cần có các giải pháp, cách nghĩ, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước