Vẫn tiềm ẩn rào cản mới với đầu tư công

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 27/05/2019 21:52 GMT+7

VTV.vn - Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công phải đổi mới phương thức kế hoạch hóa nhưng đề xuất này của Luật Đầu tư công còn một số ý kiến khác nhau.

Quá trình triển khai một dự án đầu tư công chịu sự chi phối của nhiều bộ luật có liên quan nhưng khâu đầu tiên chính là Luật Đầu tư công. Trong những năm qua, tuy đã có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ nhưng tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công luôn không đạt kế hoạch đã đề ra.

Sau hơn 4 năm có hiệu lực, Luật Đầu tư công đã phát sinh một số vướng mắc cần tháo gỡ. Sửa đổi bộ luật này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp này. Qua các cuộc hội thảo và bàn luận, phần lớn các ý kiến đều đồng thuận với nội dung dự thảo sửa đổi luật tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái chiều về một số quy định của Luật.

Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đã thống nhất định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công gồm 2 loại vốn là vốn ngân sách Nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự thảo sửa đổi luật cũng phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Xác định một số nhiệm vụ, loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư nhằm gỡ bỏ thủ tục trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án. Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, vừa đảm bảo thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động của địa phương và đơn giản hóa thủ tục khi dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. 

Phân định rõ chức năng, thẩm quyền của các cơ quan liên quan đến dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với các luật khác. Đặc biệt, dự thảo đã đề xuất đổi mới phương thức kế hoạch hóa. 

Theo đó, phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước, để có căn cứ pháp lý về nguồn vốn cho các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công phải đổi mới phương thức kế hoạch hóa nhưng đề xuất này của Luật còn một số ý kiến khác nhau và sẽ trình Quốc hội thông qua 1 trong 2 phương án.

Vấn đề thứ nhất là thời điểm quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Quốc hội nhiệm kỳ trước quyết định kế hoạch trung hạn nhiệm kỳ sau hay Quốc hội nhiệm kỳ nào quyết định kế hoạch trung hạn của nhiệm kỳ đó.

Vấn đề thứ hai là thẩm quyền quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền của Quốc hội hay Chính phủ. Thực tế triển khai ở nhiều địa phương cho thấy, nếu không chọn được phương án phù hợp, nguy cơ các dự án đầu tư công tiếp tục chậm tiến độ lại có thể xảy ra

Nếu phương án tối ưu được lựa chọn sẽ góp phần khơi thông được dòng chảy của nguồn vốn đầu tư công vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sửa Luật Đầu tư công mới chỉ gỡ được những rào cản đầu tiên đang làm chậm tiến độ đầu tư công. Để nguồn vốn quan trọng này được đầu tư hiệu quả cần phải sửa tiếp nhiều bộ luật có liên quan như Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Môi trường. Chỉ khi hành lang pháp lý đã đầy đủ và với sự đồng lòng nhất trí vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đầu tư công sẽ phát huy tối đa vai trò là vốn mồi để thu hút mọi nguồn lực của xã hội vào đầu tư phát triển và tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Vướng mắc trong Luật Đầu tư công Vướng mắc trong Luật Đầu tư công

VTV.vn - Luật Đầu tư công (sửa đổi) là một nội dung quan trọng sẽ được đưa ra lấy ý kiến, biểu quyết thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước