Từng được xem là một trong những tổ chức có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang phải chật vật đi tìm lại những hào quang của quá khứ.
OPEC nay gồm 13 thành viên. Trước đây, OPEC từng chiếm tới 50% sản lượng dầu của thế giới. Nhưng với sự gia tăng sản lượng của các quốc gia không phải OPEC, đặc biệt là sự phát triển của dầu khí đá phiến, nay OPEC chỉ còn chiếm được 1/3 sản lượng dầu của thế giới.
Những trang báo hàng đầu tại các nước xuất khẩu dầu vùng Vịnh cũng phải nhìn nhận, OPEC đang đứng trước một thời điểm then chốt nhất trong lịch sử. Khả năng OPEC có thể chi phối thị trường dầu chưa bao giờ bị đặt dấu hỏi như bây giờ.
OPEC nay phải liên kết với 10 quốc gia không OPEC, đặc biệt là Nga mới có thể chiếm được 1/2 sản lượng dầu của thế giới, qua đó duy trì phần nào đó vai trò của mình.
Hiện OPEC chỉ còn chiếm được 1/3 sản lượng dầu của thế giới. Ảnh minh họa - TASS.
OPEC giờ đây hiểu rằng, tiếng nói của mình không còn mấy ý nghĩa, nếu họ không kết hợp với Nga, để tạo thành OPEC+. Nhưng liệu OPEC+ có tồn tại được lâu? Đây là câu hỏi đang được nhiều trang báo đặt ra.
Một bài học lịch sử được chỉ ra là trong quá khứ, năm 1998 - 1999, OPEC cùng đã từng kết hợp với Nga và một số quốc gia không nằm trong OPEC để bình ổn giá dầu. Tuy nhiên, Nga cho thấy rõ, họ chưa bao giờ mặn mà với sự kết hợp này. Quan điểm về mức giá dầu kỳ vọng của Moskva luôn không đồng nhất với OPEC. Lần này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga cũng chỉ rõ điều quan trọng với Nga lúc này phải là giữ được thị phần.
Giá dầu thấp cũng được, nhưng phải bán ra để giữ thị phần và còn có nguồn thu. Không phải cứ cất dầu trong kho, cố níu kéo một mức giá dầu kỳ vọng nào đó của OPEC. Đây cũng đang là mầm mống bất đồng lớn nhất, có nguy cơ làm OPEC+ tan rã.
Tương lai nào cho OPEC là câu hỏi đang được nhiều trang báo tại Trung Đông đặt ra. Ảnh minh họa - Bloomberg
Báo Arab News của Saudi Arabia - quốc gia đứng đầu trong OPEC cũng thừa nhận, Riyadh đang đứng trước một nhiệm vụ không hề dễ dàng, để gò các quốc gia tuân thủ các cam kết cắt giảm, đặc biệt khi việc cắt giảm sản xuất đã ăn sâu vào ngân sách quốc gia. Đây được xem là nguy cơ lớn nhất. Nhiều người đang dự báo rằng, nhu cầu dầu rất có thể sẽ không bao giờ trở lại mức như trước đại dịch nữa.
Trang Economic times (Ấn Độ) cho biết, một số nhà máy lọc dầu tại châu Á, Bắc Mỹ mới đây đã bị đóng vĩnh viễn, khi nhiều công ty dự báo nhu cầu dầu sẽ không còn khả năng trở lại như trước đại dịch.
Một số dự báo còn cho rằng, nhu cầu dầu sẽ cứ thế giảm trong thập kỷ 20 của thế kỷ 21 này. Đến năm 2045, nhu cầu sẽ giảm tới một nửa. Vai trò của OPEC hay OPEC+ vì thế có thể sẽ chấm dứt nào năm 2040.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!