Doanh nghiệp kinh doanh vàng chuẩn bị sẵn nguồn cung
Có doanh nghiệp thậm chí còn chuẩn bị từ 6 tháng trước vì xác định đây là dịp kích cầu quan trọng đối với thị trường Việt Nam. Nhờ thế, nguồn hàng năm nay được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, cả về số lượng, phân khúc sản phẩm lẫn cách thức bán lẻ.
Vào ngày vía Thần Tài, mua bao nhiêu vàng không quá quan trọng mà theo quan niệm dân gian, cứ là có mua, dù chỉ là 1 chỉ vàng cũng mang ý nghĩa cầu may cho cả năm. Nắm bắt được tâm lý này nên những sản phẩm linh vật mà doanh nghiệp tung ra thị trường không nhất thiết cứ phải là hoành tráng đắt tiền mà khách hàng nếu muốn sở hữu linh vật với trọng lượng dù chỉ là 1 chỉ vàng cũng có thể có.
Tại các doanh nghiệp mạnh về vàng miếng như SJC hay DOJI, nguồn hàng chuẩn bị cho ngày vía Thần Tài cũng khá dồi dào. Riêng Tập đoàn DOJI, tổng số lượng sản phẩm lên đến 260.000, cao hơn đến 30% so với năm 2017. Bởi theo một số doanh nghiệp dự báo, nhu cầu mua vàng trong ngày vía Thần Tài năm nay có thể tăng đến 50% so với năm 2017.
Các sản phẩm cũng được doanh nghiệp phân phối tới các cửa hàng vàng không thuộc hệ thống bán lẻ của mình. Để tránh tình trạng quá tải lượng người đến mua vàng tại các cửa hàng, SJC cho biết năm nay tiếp tục triển khai hình thức mua vàng online.
Thị trường vàng ổn định trong năm 2017
Như cầu mua vàng ngày vía Thần Tài tăng nên nguồn cung cũng tăng nhưng giá cả cũng vì thế mà tăng lên. Để mua 1 chỉ vàng vào dịp này, khách hàng sẽ phải bỏ ra khoảng 3,704 triệu đồng. Giá vàng ở mức cao, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế bị kéo rộng ra so với các thời điểm khác trong năm.
1 năm qua, thị trường vàng trong nước khá ổn định, chỉ có 3 - 4 cơn sóng lớn, tăng giảm cùng chiều theo giá vàng thế giới. Lệch pha đáng kể nhất chính là vào dịp vía Thần Tài, lên tới 400.000 đồng/lượng so với mức 200.000 đầu tháng 1/2018.
Với thị trường vàng trong nước hiện nay, ngày vía Thần Tài là một trong những dịp khá hiếm hoi giá vàng bật tăng.
NHNN giữ ổn định thị trường vàng
Thị trường ổn định, không còn hiện tượng đầu cơ hay sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, vay mượn và chỉ biến động vào những dịp hiếm hoi trong năm.
Bắt đầu từ hơn 5 năm trước, năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Trong đó quy định rõ, Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Nghị định 24 với những quy định được coi là "siết chặt" hoạt động kinh doanh vàng, sau hơn 5 năm triển khai, theo ghi nhận trên thị trường, những đợt sóng vàng đã giảm bớt, hình ảnh người dân đổ xô xếp hàng mua vàng cũng ít thấy.
Thị trường vàng trang sức lên ngôi
Các công ty, các cửa hàng một thời từng hốt bạc từ kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn trơn nay tập trung mở rộng kinh doanh vàng trang sức.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 sẽ mang lại những điểm sáng trong năm 2018. Khách hàng sẽ quan tâm hơn tới vàng trang sức.
Giá thành gia công vàng trang sức cao hơn vàng miếng đồng nghĩa tạo được giá trị gia tăng, kết tinh tay nghề người thợ Việt Nam, tạo được công ăn việc làm. Đây là xu thế tốt và phổ biến tại nhiều thị trường vàng phát triển trên thế giới như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) hay Thái Lan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!