Người dân “ngại” vay tiêu dùng
Tại Việt Nam, tuy là dịch vụ khá mới mẻ nhưng cho vay tiêu dùng đang dần khẳng định vai trò của mình đối với nền kinh tế. Nhu cầu vay tiền của người tiêu dùng đang rất cao, đặc biệt đối với các khoản vay có giá trị nhỏ, vay trả góp để phục vụ nhu cầu tiêu dùng như: Mua sắm thiết bị điện tử gia dụng, điện thoại, máy tính xách tay… Số liệu thống kê cuối năm 2014 cho thấy, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng trên 200.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,3% GDP).
Tuy nhiên, trên thực tế, đa số khách hàng lựa chọn vay tiêu dùng hiện vẫn còn tâm lý e ngại về lãi suất và thủ tục vay. Chị Phạm Thị Ngân, nhân viên văn phòng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi dự tính sẽ mua chiếc máy giặt cửa ngang tầm 12 triệu đồng nhưng hiện tại chỉ mới góp được 6 triệu đồng tiền mặt nên tôi đã nghĩ tới phương án vay mua hàng trả góp. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa quyết định mua bởi băn khoăn về việc lãi suất phải trả hàng tháng hơi cao”.
Cùng chung tâm lý như chị Ngân, anh Phạm Minh Chí, lái xe taxi (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất muốn mua một chiếc tivi Samsung 48 inch về nhà dịp Tết. Nhưng cuối năm rất nhiều khoản phải chi tiêu nên cũng chưa quyết là có nên mua hay không? Nếu chọn hình thức mua trả góp thì mỗi tháng tôi phải trả 1,5 triệu đồng trong 6 tháng. Số tiền này gây cho tôi tâm lý “nợ nần”.
Nhận định về tâm lý “ngại” vay nợ của khách hàng khi tiếp cận nguồn vốn tiêu dùng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho rằng, suy nghĩ của khách hàng “ngại” khi đi mua hàng trả góp, trả lãi hằng tháng là điều dễ hiểu. Đấy là tâm lý chung của người dân Việt Nam.
Để khắc phục điều này cần phải đẩy mạnh truyền thông tác động nhận thức, phổ biến kiến thức về tài chính tiêu dùng đến với mọi người dân bởi đây là hình thức cho vay đã phổ biến từ lâu trên thế giới. Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các công ty tài chính tiêu dùng. Có như vậy sẽ thúc đẩy thị trường, kích thích sản xuất hàng hóa, gia tăng sự lưu thông “mạch máu” nền kinh tế. Thị trường cũng cần có nhiều sản phẩm cho vay tín dụng ưu đãi lãi suất, thông qua việc tận dụng ưu thế liên kết kinh doanh giữa các nhà sản xuất, cho vay và kinh doanh thương mại. Từ đó, khách hàng sẽ có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay rẻ hơn, và dần xóa bỏ được rào càn tâm lý khi có nhu cầu vay tiêu dùng.
Người vay cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng
Trên thực tế, thời gian gần đây thị trường cho vay tiêu dùng chứng kiến sự “bắt tay” giữa các công ty tài chính với các nhà bán lẻ để tung ra thị trường các chương trình cho vay mua trả góp với lãi suất 0%. Đây được xem là động thái tích cực trong việc đẩy mạnh nguồn vốn tiêu dùng đến với người cần, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp.
Đơn cử như tại Thế giới Di động, gói cho vay ưu đãi lãi suất 0% hiện đang được một số công ty tài chính triển khai đối với sản phẩm laptop Acer E5-573G Core i7 và Lenovo Yoga 500, hay với nhóm Smarphone giá rẻ như: Wiko Fever, Lenovo A6000, Nokia Lumia 950, Nokia Lumia 950 XL…
Chị Thúy Hà (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, nhà có cậu con trai năm nay vào đại học, rất nhiều khoản chi phí phải lo. Tuy nhiên, nhờ được vay tiêu dùng trả góp lãi suất ưu đãi 0% mà gia đình chị đã có thể sắm được một chiếc laptop hiệu Lenovo. “Tôi không ngờ thủ tục vay mua hàng trả góp lại đơn giản, dễ dàng đến thế. Đặc biệt là khoản vay còn được giải ngân ngay tại chỗ...”, chị Hà chia sẻ.
Với ưu thế nhanh, gọn, đơn giản, thuận tiện, vay tiêu dùng ngày càng đưa người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn vay, nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo rằng, mỗi một sản phẩm vay tiêu dùng đều có những đặc thù riêng, cho nên khi lựa chọn vay sản phẩm nào, mỗi khách hàng hãy là một người tiêu dùng thông minh để có thể chọn cho mình phương án vay và trả nợ thích hợp nhất.
Những khách hàng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng vẫn có thể đạt được mục đích khi tìm đến với các công ty tài chính. Song để tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, người vay vốn cần nắm rõ những thông tin cơ bản nhất để trở thành khách hàng tiêu dùng thông minh.
Hợp đồng ký kết vay vốn giữa khách hàng và các công ty tài chính cần minh bạch, chính xác. Khách hàng cần nắm rõ mức lãi suất sẽ điều chỉnh, thời hạn thay đổi lãi suất... từ đó mới xây dựng được mối quan hệ lâu dài, đồng thời, tránh rủi ro tiềm ẩn cho cả hai bên.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần đặc biệt quan tâm đến phương thức trả nợ. Hiện có hai phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Phương thức trả nợ theo dư nợ ban đầu chỉ áp dụng cho hình thức vay tín chấp. Hàng tháng, khách hàng sẽ trả tiền gốc cộng với lãi suất quy định cố định. Với phương thức trả theo dư nợ giảm dần, hàng tháng, khách hàng sẽ trả một khoản tiền bao gồm gốc và lãi (lãi tính theo số nợ thực tế). Theo đó, số tiền lãi hàng tháng khách hàng phải trả sẽ giảm dần. Do vậy, người đi vay cần tìm hiểu rõ về phương thức trả nợ, để có thể dự trù khoản vay đúng với khả năng tài chính của mình, tránh trường hợp xảy ra nợ xấu và khiếu kiện kéo dài.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.