Ảnh minh họa.
Theo đề nghị của Bộ Tài chính, việc đánh thuế tài sản với nhà ở sẽ có 2 phương án: Phương án 1 là nhà ở có trị giá trên 700 triệu hoặc phương án thứ 2 là nhà ở có trị giá trên 1 tỷ đồng mới phải chịu thuế với 2 mức thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%.
Ví dụ, nếu như chọn phương án nhà có giá trị trên 1 tỷ mới phải chịu thuế thì với căn nhà có giá trị 1,1 tỷ đồng phần vượt ngưỡng là 100 triệu đồng nếu nhân mức thuế suất 0,3% sẽ phải nộp 300.000 đồng tiền thuế/năm. Còn nếu mức thuế suất là 0,4% sẽ phải chịu thuế 400.000 đồng/năm. Dự kiến số thuế thu được sẽ từ 23.000 - 31.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào đâu Bộ Tài chính đề xuất nhà ở có mức giá từ 700 triệu đồng hoặc từ 1 tỉ đồng trở lên mới phải chịu thuế?
Ông Hoàng Thái Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho biết: "Theo quy định của chiến lược phát triển nhà ở đã được Thủ tướng phê duyệt tầm nhìn đến năm 2030 thì đến năm 2020, mỗi người dân có diện tích nhà ở là 25m2/người. Như vậy, chúng tôi tính một hộ gia đình có 4 người thì sẽ là 100m2.
Theo đơn giá của Bộ Xây dựng hiện nay, 7,3 triệu đồng/m2. Vì vậy, 100m2 là 730 triệu đồng. Do đó, Bộ Tài chính đưa ra phương án là mức khởi điểm đánh thuế là 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, chúng tôi cần phải làm rõ, giá trị chịu thuế của nhà mà Bộ đưa ra phương án dựa trên căn cứ phân loại nhà của UBND các tỉnh và đơn giá xây dựng của Bộ Xây dựng đối với từng cấp, từng hạng nhà. Căn cứ vào đó sẽ xác định được trị giá tính thuế của nhà. Trị giá này trừ đi số 700 triệu đồng này thì phần chênh lệch giữa trị giá và 700 triệu đồng là trị giá đánh thuế. Cách tính này cũng giống như là giá đất đối với UBND các tỉnh xác định.
Tuy nhiên, qua theo dõi trên thị trường, chúng tôi thấy rằng, đơn giá của Bộ Xây dựng ở tại một số địa phương thấp hơn so với quy định do đó chúng tôi có tính toán để đưa ra phương án thứ hai để xin ý kiến là mức 1 tỷ đồng".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!