Vì sao các fintech muốn mua công ty chứng khoán?

Chinh Vũ-Thứ bảy, ngày 18/06/2022 13:02 GMT+7

VTV.vn - Gần đây nhất, 2 startup về công nghệ tài chính (fintech) là Finhay và Momo lần lượt hoàn tất mua lại cổ phần của các công ty chứng khoán hàng chục năm tuổi.

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) mua lại công ty chứng khoán là cũng muốn nhảy vào thị trường môi giới chứng khoán. Khi việc thành lập một công ty chứng khoán hầu như khó để được cấp phép, do đó việc mua lại những công ty hiện có trên thị trường là cách làm nhanh chóng và đôi khi là với một mức giá rẻ nếu công ty chứng khoán đó đang làm ăn thua lỗ.

Finhay thâu tóm chứng khoán Vina trong bối cảnh công ty này lỗ lũy kế hơn 260 tỷ đồng. Tuy nhiên mức lỗ không làm startup chùn tay, khi nhìn vào tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Qua 5 tháng đầu năm nay, lượng tài khoản mở mới đã là 1,38 triệu, gần bằng mức cả năm 2021, cho thấy dư địa hấp dẫn.

Vì sao các fintech muốn mua công ty chứng khoán? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam thật ra chỉ rơi vào khoảng 5 triệu tài khoản chứng khoán mở, chiếm 5% toàn bộ tổng dân số. Thị trường nói chung muốn có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia hơn. Việc sở hữu công ty chứng khoán sẽ bổ trợ cho chúng tôi về vấn đề pháp lý để cung cấp các dịch vụ liên quan đến chứng khoán một cách rõ ràng hơn. Nhà đầu tư có thể tiếp cận với những sản phẩm tài chính mà bình thường nhà đầu tư cá nhân rất khó tiếp cận", ông Nghiêm Xuân Huy - Sáng lập, Tổng Giám đốc Finhay, cho biết.

Theo giới quan sát, các fintech như ví điện tử sẽ cần những dịch vụ có lượng giao dịch hàng ngày lớn để tiếp đà tăng trưởng. Giao dịch chứng khoán là loại dịch vụ như vậy.

Momo không bình luận trực tiếp về thương vụ mua lại 49% cổ phần của chứng khoán CV. Tuy nhiên đã từng nhiều lần khẳng định mảng dịch vụ đầu tư là mục tiêu tiếp theo của startup này.

"Chúng tôi mong muốn cung cấp những giải pháp tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam. Sau khi giải quyết bài toán thanh toán, chúng tôi cũng muốn cung cấp những giải pháp khác như đầu tư, bảo hiểm...", ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch HĐQT, Đồng Tổng Giám đốc Ví MoMo, chia sẻ.

Chuyên gia cho rằng, fintech sẵn có hàng chục triệu người dùng và đặc biệt là khả năng ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, chất lượng môi giới, tư vấn lại là một bài toán cần được giải quyết.

"Công nghệ có thể giúp rút ngắn được cách truyền tải thông điệp đến khách hàng một cách nhanh nhất, nhưng chất lượng của nội dung tư vấn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo toàn được nguồn vốn đầu tư của nhà đầu tư", ông Hà Đăng Chính, nhà nghiên cứu công nghệ tài chính (fintech), nhận định.

10 công ty chứng khoán lớn nhất hiện đã chiếm hơn 65% thị phần môi giới. Trong khi fintech chỉ mua lại các công ty nhỏ, thị phần khiêm tốn. Một số chuyên gia có góc nhìn thận trọng rằng fintech sẽ chưa thể tạo ra đột phá, ít nhất là trong trung hạn.

Kinh tế vĩ mô ổn định sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán Kinh tế vĩ mô ổn định sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán

VTV.vn - Lựa chọn tâm lý ngắn hạn hay triển vọng dài hạn - bài toán có đáp án dễ nhưng vẫn luôn khó giải.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước