Thị trường chứng khoán ngày hôm nay (14/6) đã phục hồi và tăng điểm nhẹ sau phiên giảm điểm khá mạnh ngày hôm qua (13/6).
Sau những lo lắng về tình hình kinh tế thế giới và những tác động từ thị trường chứng khoán các nước, tâm lý nhà đầu tư trong nước đã dần bình ổn trở lại nhờ tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực, ổn định.
Chỉ số VN-Index hôm nay đã hồi phục nhẹ, tăng hơn 3 điểm, sau vài phiên giảm khá sâu. Có 2 nguyên nhân chính được chỉ ra, khiến thị trường chứng khoán đi xuống trong vài phiên trước đó.
Thứ nhất là tình hình bên ngoài khi thị trường chứng khoán quốc tế tràn ngập màu đỏ giảm điểm, khi chỉ số lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn được công bố tăng cao, nhất là lạm phát của Mỹ trong tháng 5 tăng đến 8,6%
Nguyên nhân thứ hai là thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn đang bị chi phối bởi tâm lý "không tốt" của các nhà đầu tư, dù cho nội tại nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực và ổn định.
Thị trường chứng khoán ngày hôm nay (14/6) đã phục hồi. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Phiên vừa rồi có lạm phát xảy ra em cũng tương đối sợ hãi vì lạm phát của Mỹ đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây, làm tâm lý mình không ổn định. Sau đo, mình về suy nghĩ lại, mình cảm thấy nên tin tưởng vào tương lai tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng như thế giới", anh Phạm Việt Duy, nhà đầu tư chứng khoán, chia sẻ.
Sự lo lắng của nhiều nhà đầu tư chứng khoán trong nước xuất hiện trước diễn biến lạm phát thế giới sẽ gây áp lực lên chỉ số lạm phát của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê khẳng định, với những công cụ điều hành giá của Chính phủ, mục tiêu 4% đặt ra cho năm nay là trong tầm tay.
"Chúng ta có khả năng đạt được mức lạm phát 4%. Theo mục tiêu Quốc hội đặt ra, nếu chúng ta kịp thời thực hiện các giải pháp trong những tháng cuối năm, đặc biệt là giá dịch vụ giáo dục và nếu thực hiện theo khung Nghị định 81 thì phải thực hiện giãn ra để tránh gây áp lực lạm phát", bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, cho biết.
Thậm chí, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn nhận định, bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát thế giới gia tăng còn đang tạo ra nhiều cơ hội hơn với Việt Nam.
"Việt Nam là một trong những điểm rất hấp dẫn với các tập đoàn đa quốc gia. Đó là xu hướng Việt Nam có thể hưởng lợi. Thứ hai là trong khủng hoảng lương thực hiện nay, Việt Nam xuất khẩu lương thực thì Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ việc đó", ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, đánh giá.
Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày hôm qua, WB nhấn mạnh: "Bất chấp bối cảnh bất định toàn cầu gia tăng, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lực cầu của nền kinh tế".
Nhờ đó, Ngân sách Nhà nước duy trì bội thu 5 tháng liên tiếp. Tỷ lệ vay nợ trong nước chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ tới 16,9%.
"Tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp và sản xuất của Việt Nam tháng 5 là hơn 10%, tức là đã quay trở lại mức trước đại dịch. Chỉ số PMI có mức tăng mạnh nhất trong 1 năm qua, cho thấy triển vọng mở rộng của lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó lĩnh vực dịch vụ cũng ghi nhận nhu cầu nội địa tăng đột biến", bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế Cao cấp, Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định.
Với nhiều yếu tố tích cực và ổn định của nền kinh tế, một số quỹ đầu tư nước ngoài còn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi, gọi tắt là EM, trong vài năm tới, khiến mức định giá P/E của thị trường như hiện nay là còn quá rẻ và hấp dẫn để mua vào.
"Mình đang ngồi trên mỏ vàng trong vòng 5 năm tới. EM của Việt Nam trong vòng 3 năm, 5 năm, 7 năm của chúng ta chắc chắn sẽ phải xảy ra, khi EM xảy ra, thì PE không thể 12 lần được, nó vô lý lắm, cho một nền kinh tế đang tăng trưởng như thế này", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Hoạch định Chiến lược đầu tư, Dragon Capital, nói.
Như lời của đại diện Dragon Capital, trước khi chạm tới mỏ vàng, vẫn phải trải qua những thử thách, đòi hỏi tâm lý đầu tư vững vàng.
Còn theo quan sát của Công ty chứng khoán Maybank, dòng tiền đầu tư cá nhân vẫn đang chờ đợi thêm thông tin và những cơ hội thực sự rõ ràng, để sớm quay trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!