Theo ghi nhận của nhóm phóng viên VTV, dự án AZ Thăng Long nằm trên trục Quốc lộ 32 là một trong 4 dự án đã được TP Hà Nội đồng ý chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Khi là nhà ở thương mại, dự án nổi tiếng vì chây ỳ tiến độ. Khi chuyển sang nhà ở xã hội 8 tháng nay, dự án vẫn tiếp tục quây tôn nằm phơi mưa, phơi nắng.
Trong khi đó, dự án Tây Nam Linh Đàm được động thổ từ tháng 5/2013. Hơn 1 năm sau, công trình vẫn đang miệt mài ở khâu làm móng. Còn ô đất nằm trong khu đô thị Trung Văn mở rộng cũng được chấp nhận chuyển đổi về mặt chủ trương nhưng vẫn chưa triển khai gì.
Ông Nguyễn Trường Tiến, chuyên gia BĐS cho rằng: “Đầu tiên, họ hào hứng nhưng cuối cùng vẫn không có tiền. Nếu năng lực của doanh nghiệp yếu kém thì dù đã được hưởng hàng loạt ưu đãi khi chuyển đổi như được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, vay vốn ưu đãi…, dự án vẫn khó hồi sinh”.
Trên thực tế, đúng là thời gian đầu các doanh nghiệp rất hào hứng. Bởi nhìn lại cách đây hơn một năm trước, khi thị trường BĐS đóng băng, hàng loạt các doanh nghiệp đã xếp hàng xin chuyển đổi nhà thương mại sang nhà ở xã hội theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng.
Riêng TP Hà Nội xem xét, thẩm định 18 dự án đăng ký chuyển đổi. Hiện đã có 4 dự án có quyết định chuyển đổi.
Ông Phạm Đức Toàn - Giám đốc một công ty Bất động sản chia sẻ: “Nhà ở xã hội là cứu cánh cho DN, bản chất sâu xa là có lợi cho DN. Chính vì thế, các cơ quan chức năng nên xem xét lại các dự án chậm tiến độ để tránh thiệt thòi cho các DN làm ăn thực sự”.
Một ông lớn trong lĩnh vực BĐS là Tổng công ty HUD có hai dự án nhà ở xã hội bị liệt vào danh sách chậm tiến độ là Tây Nam Linh Đàm và Thanh Lâm - Đại Thịnh. Trong đó, dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh đã có đất sạch từ năm 2011. Chủ đầu tư lý giải dự án chưa triển khai được là do đang điều chỉnh quy hoạch.
Ông Cầm Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) nói: “Chúng tôi đang có sự điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chỉ làm dự án tốt hơn thôi. Việc câu giờ ở đây có thể chủ đầu tư khác có, do họ chịu áp lực về vấn đề bị thu hồi đất”.
Trong khi chủ đầu tư này đổ lỗi việc điều chỉnh quy hoạch thì một số chủ đầu tư khác lại từ chối trả lời. Giới đầu tư kinh doanh BĐS đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp không có nguyên nhân sâu xa nào khác ngoài mục tiêu câu giờ, giữ đất thì tại sao lại ngại ngần nói lên những khó khăn của mình trong việc triển khai nhà ở xã hội, một loại hình nhà ở đang hết sức được các cơ quan quản lý tạo điều kiện giúp đỡ.
Để làm rõ tình trạng các dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ và hướng xử lý của các cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong các bài viết sau.