Vì sao không công khai bảng chấm điểm các ngân hàng thương mại?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 31/01/2019 11:57 GMT+7

VTV.vn - Từ ngày 1/4, tất cả các tổ chức tín dụng sẽ được chấm điểm bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính và cho thuê tài chính.

Quy định trên được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm đánh giá "sức khỏe" của từng tổ chức tín dụng. Theo báo Dân trí, căn cứ vào các tiêu chí như vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả kinh doanh, khả năng thanh khoản hay mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường, các ngân hàng sẽ được phân loại theo 5 bậc: A, B, C, D, E, tương ứng là tốt, khá, trung bình, yếu, và yếu kém.

Sau khi chấm điểm xong, bảng điểm sẽ không được cung cấp cho bên thứ 3 dưới bất kỳ hình thức nào, ngoại trừ cơ quan quản lý Nhà nước, có nghĩa chi nhánh của ngân hàng nước ngoài cũng không được phép công bố kết quả xếp hạng cho ngân hàng mẹ. Điều này giống như việc phụ huynh không được biết điểm số của con cái bạn ở lớp vậy.

Nếu sau khi đánh giá và xếp hạng xong mà không công bố kết quả, việc xếp hạng tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là để nhằm mục đích gì và phục vụ ai? Đây là câu hỏi được đặt ra trên trang CafeF. Bài viết lấy dẫn chứng, trên thế giới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thường xuyên đánh giá "sức khỏe" của các ngân hàng các quốc gia thành viên và kết quả sẽ được công bố rộng rãi. Mặc dù kết quả có thể sẽ chứa đựng những thông tin rất "nhạy cảm", có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh nếu ngân hàng bị đánh giá không tốt.

Tuy nhiên, với ECB, sự công bố kết quả này là cần thiết để tăng cường chất lượng thông tin, tăng tính minh bạch của ngân hàng. Bài viết cũng nhấn mạnh, cho phép công khai xếp hạng sẽ giúp các ngân hàng học tập lẫn nhau. Nếu trong quá trình thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các vấn đề tồn tại và yếu kém sẽ được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra cho tổ chức tín dụng liên đới, nên chắc chắn họ biết sẽ phải làm gì mà không cần phải đợi đến khi có kết quả xếp hạng mới thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng hoạt động.

Ở châu Âu là như vậy nhưng ở Việt Nam do "có những yếu tố nhạy cảm" nên không thể công khai. Thời báo ngân hàng lấy ví dụ, nếu thông tin một ngân hàng bị xếp hạng yếu, hoặc kém, lan ra bên ngoài sẽ dẫn đến rủi ro, người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng này, ảnh hưởng đến sự an toàn chung của hệ thống. Theo bài báo, Ngân hàng Nhà nước đã lý giải, khác với mục tiêu của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng ở Việt Nam được cơ quan quản lý sử dụng trong công tác cảnh báo sớm, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của từng tổ chức tín dụng cũng như rủi ro lan truyền toàn hệ thống, để từ đó đưa ra các hành động về chính sách kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ tài sản và quyền lợi của người gửi tiền.

Do mục đích khác nhau nên Ngân hàng Trung ương - cơ quan giám sát tài chính tại nhiều nước trên thế giới cũng không công bố rộng rãi kết quả xếp hạng các tổ chức tín dụng như cách tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế thực hiện định kỳ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước