Tâm lý bán hàng - đây là nguyên nhân đầu tiên mà nhiều mặt hàng chưa giảm giá tương ứng với mức giảm của giá xăng. Điều này đồng nghĩa, khi thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới với mức tăng cao thì hàng hóa rất khó để giảm giá trở lại.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho hay: "Tâm lý bán hàng đó là khi doanh nghiệp bán những sản phẩm đó họ thấy thị trường chấp nhận được, ví dụ trước ăn tô phở 30.000 đồng nay ăn tô phở 40.000 đồng khách vẫn chấp nhận thì họ vẫn giữ 40.000 đồng và có thể thêm chất lượng một chút nào đó".
Theo các chuyên gia, giá xăng giảm nhưng một số mặt hàng chưa thể giảm giá ngay bởi sản xuất hàng hóa là một chuỗi cung ứng khép kín liên tục. Ảnh minh họa.
Theo các chuyên gia, việc tăng, giảm giá bán hàng hóa trên thị trường dựa trên quy luật cung - cầu và phụ thuộc nhiều vào yếu tố chi phí đầu vào, nhất là giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Sở dĩ một số mặt hàng chưa thể giảm giá ngay bởi sản xuất hàng hóa là một chuỗi cung ứng khép kín liên tục. Khi giá xăng giảm sâu, phải mất một thời gian lâu hơn, giá hàng hóa mới giảm theo bởi dòng hàng hóa và dịch vụ có những chu kỳ, thời gian khác nhau về sản xuất.
"Còn có một độ trễ, một thời gian nhất định vì người ta sẽ bán hết hàng tồn đọng trong đợt sản xuất trước, sau đó mới bắt đầu đợt sản xuất sau với mức giá thấp hơn, lúc đó sẽ hình thành nên giá mới", TS Nguyễn Hoàng Bảo - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay.
Còn theo các doanh nghiệp, giá xăng vẫn chưa tác động ngay đến việc giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Bởi xăng dầu không phải là yếu tố chính cấu thành lên giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá thành sản phẩm lại phụ thuộc nhiều vào chi phí khác như nguyên vật liệu, giá thức ăn chăn nuôi… vẫn còn ở mức cao nên doanh nghiệp chưa thể giảm giá ngay hàng hóa.
Giảm giá hàng hóa cần độ trễ nhưng không thể kéo dài lâu
Tại tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/8, bà Đinh Thị Nương, Phó cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giảm cần có thời gian, độ trễ nhất định.
"Bởi vì các đơn vị sản xuất kinh doanh phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu", bà nói.
Đồng tình về chu trình, độ trễ của việc điều chỉnh giá cả trên thị trường, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV cho rằng độ trễ không thể kéo dài đến hàng tháng mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần sau khi giá xăng giảm, phải điều chỉnh giá hàng hóa ngay.
Ông Cấn Văn Lực nói: "Nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống, tôi đồng ý là có độ trễ nhưng không thể trễ hàng tháng mà sau một vài tuần cần điều chỉnh ngay. Sự vào cuộc của cơ quan chức năng tôi cho rằng cũng cần phải sát hơn nữa".
Hiện các cơ quan quản lý đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá. Ảnh minh họa.
Tương tự, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cũng cho rằng việc giảm giá hàng hóa, dịch vụ không nên để quá trễ.
"Những việc đó đòi hỏi thời gian nhưng cũng phải kịp thời để đáp ứng nhu cầu. Khi nhiên liệu - một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành đã giảm mà giá hàng hóa, dịch vụ lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm thì không đúng", ông Ngọc nhìn nhận.
Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã có công điện yêu cầu rà soát, quản lý điều hành giá trong bối cảnh mặt hàng xăng dầu đã hạ nhiệt. Hiện các cơ quan quản lý đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá.
"Biện pháp mạnh hiện nay và sắp tới là chúng ta phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và khi thanh kiểm tra phát hiện có vi phạm sẽ sử dụng những công cụ về Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải, trong đó có quy định về trách nhiệm kê khai, niêm yết để xử lý nghiêm", ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải cho cho hay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!