“Việc chờ người” tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 03/03/2021 20:11 GMT+7

VTV.vn - Vào thời điểm này một năm trước, khi dịch bùng phát, tìm được việc làm là điều vô cùng khó khăn đối với nhiều lao động. Còn năm nay ngược lại, việc lại đang chờ người.

170.000 là số lao động đang thiếu hụt tại các khu công nghiệp lớn ở một số tỉnh phía Nam. Con số này vừa đáng vui, vừa đáng buồn. Vui bởi nó cho thấy hoạt động sản xuất đã dần ổn định trở lại, thậm chí được mở rộng sau khi dịch bệnh bước đầu được khống chế. Buồn vì nó cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp lúc này.

30.000 chỗ làm, tức 30.000 lao động mới cần tuyển dụng sau Tết Nguyên đán, là con số được Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đưa ra vào tháng 2/2021. Trong đó, các doanh nghiệp trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố cần khoảng 12.000 người. Nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm 85,8%. Ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ; dệt may - giày da; chế biến thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; công nghệ thông tin; du lịch - nhà hàng - khách sạn.

40.000 lao động mới là nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Đa số đều không có nhu cầu khắt khe về tay nghề bởi các doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo lại. Ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là da giày, dệt may.

“Việc chờ người” tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 1.

Thiếu - tuyển dụng - đào tạo - nghỉ việc - thiếu - vòng luẩn quẩn này tái diễn từ năm nay qua năm khác. (Ảnh minh họa: Dân trí)

916 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động mới sau Tết đạt con số kỷ lục là gần 96.000. Ngành có nhu cầu tuyển dụng cao là gốm sứ, may mặc, chế biến gỗ, sản xuất đồ gia dụng và bất động sản.

Bà Rịa - Vũng Tàu cần khoảng 5.000 lao động mới cho các ngành may mặc, điện tử, cơ khí, giày da. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu lao động đã có dấu hiệu phục hồi khi hiện có 200 chỉ tiêu tuyển dụng cho ngành thực phẩm, may mặc, điều dưỡng, cơ khí, điện tử.

Tuyển dụng khó khăn

Số lao động thiếu hụt nói trên hầu hết là lao động phổ thông, nghĩa là yêu cầu trình độ không quá cao. Tuy nhiên việc tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Cá biệt có những doanh nghiệp phải trực tiếp về các địa phương để tuyển dụng lao động, bởi nếu trông chờ lao động đến công ty nộp hồ sơ ứng tuyển chẳng được là bao.

Nhà máy của Công ty Patel Việt Nam có hơn 900 công nhân và phần lớn đã trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Thế nhưng hiện nay, nhà máy vẫn cần tuyển thêm 200 người vừa để bù đắp sự thiếu hụt do công nhân nghỉ việc, vừa bổ sung vào việc mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, 2 tuần sau Tết Nguyên đán, con số ứng tuyển và tuyển dụng được rất ít.

"Từ tết tới giờ tuyển dụng rất ít, một ngày chỉ có vài người, 5 - 7 người, 10 người là nhiều nhất. Ngày xưa tuyển dụng một ngày đến 40 - 50 người hay 70 - 80 người đều có", bà Đặng Thị Hồng, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Patel Việt Nam, Bình Dương, cho biết.

Yêu cầu công việc không cao vì chủ yếu là lao động phổ thông, vì vậy công ty thường tiếp nhận lao động đến từ các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Lực lượng lao động này tưởng chừng rất dồi dào, nhưng từ 2 năm trở lại đây, doanh nghiệp phải đi tìm người chứ người không đến tìm việc.

Chỉ tính riêng địa bàn huyện Bến Cát, hiện các khu công nghiệp tại đây cần đến 10.000 lao động mới, tức là gần 1/10 số lượng công nhân hiện nay. Vì vậy, cuộc cạnh tranh ngầm giữa các doanh nghiệp trong tuyển dụng lao động bù đắp sự thiếu hụt bằng chính sách đãi ngộ đang xảy ra, đặc biệt cho công nhân đã có kinh nghiệm làm việc. Một mặt nào đó, chính sách này mang tới lợi ích cho công nhân, nhưng nếu không chặt chẽ lại gây xáo trộn không đáng có cho nhân lực sản xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi chỉ có sự chuyển dịch lao động cũ, phần thiếu hụt nhân lực thực sự không được giải quyết.

Gỡ khó tuyển dụng lao động

Năm 2021 là năm đầu tiên thị trường lao động phía Nam có lượng lao động trở lại làm việc đạt hơn 80%, đặc biệt là các địa phương hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm. Đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, tỷ lệ lao động quay lại làm việc sau Tết lên đến gần 100%. Con số khá ấn tượng, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp mở rộng sản xuất thì 100% vẫn chưa đủ cho nhu cầu doanh nghiệp và thiếu vẫn hoàn thiếu.

“Việc chờ người” tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - Ảnh 2.

170.000 là số lao động đang thiếu hụt tại các khu công nghiệp lớn ở một số tỉnh phía Nam. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Thiếu - tuyển dụng - đào tạo - nghỉ việc - thiếu - vòng luẩn quẩn này tái diễn từ năm nay qua năm khác. Người lao động sau khi được đào tạo lành nghề tại một công ty này lại muốn tìm một công ty khác với mức lương cao hơn. Điều mà các doanh nghiệp đang hướng đến lúc này là ngoài một mức lương xứng đáng với năng lực, còn có thể mang đến cho người lao động những đãi ngộ tốt hơn, có tính cạnh tranh hơn.

"Chúng tôi có chính sách phát thưởng cho lao động mới vào làm việc và nếu họ đã có tay nghề thì sẽ được hưởng lương tay nghề thay vì chỉ là lương lao động phổ thông. Việc sắp xếp chỗ làm cũng quan tâm đến môi trường làm việc, người cũ ứng xử thân thiện, chỉ dẫn tận tình để người mới dễ hòa nhập", bà Wang Gui Lin, Phó lý nhân sự công ty Kaiser Furniture, cho biết.

"Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng 500 lao động bằng phương pháp tiếp cận mới so với những hoạt động đã làm trước đây, chẳng hạn như: tuyển dụng qua tin nhắn SMS quảng cáo, tuyển dụng qua trang web của công ty, thực thi chế độ thưởng tiền cho nhân viên công ty giới thiệu người lao động vào công ty để cùng làm việc", ông Meguro Minoru, Tổng Giám đốc công ty Yazaki EDS Việt Nam, chia sẻ.

"Dưới góc độ của tổ chức công đoàn, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền vận động người lao động nên ổn định công việc để có điều kiện tăng lương theo thâm niên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu công đoàn cơ sở chăm lo đời sống công nhân tại doanh nghiệp để góp phần cùng doanh nghiệp giữ chân lao động", ông Trương Văn Phỉ, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp Bến Cát, Bình Dương, cho hay.

"Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các thiết chế văn hóa như nhà ở, nhà trẻ để người lao động an tâm gắn bó. Tổ chức công đoàn cùng với lãnh đạo tỉnh tiếp tục ký kết các chương trình phúc lợi tại doanh nghiệp để có những chính sách an sinh như bán hàng giảm giá cho đoàn viên với giá thấp hơn thị trường từ 10 - 45%", ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động Bình Dương, chia sẻ.

Ngành dịch vụ “khát” lao động sau Tết Ngành dịch vụ “khát” lao động sau Tết

VTV.vn - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều công ty dịch vụ gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân sự thời điểm này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước