Thất nghiệp - Nỗi ám ảnh của nữ lao động trung niên

Hồng Anh-Thứ ba, ngày 23/02/2021 19:59 GMT+7

VTV.vn - Thất nghiệp không chỉ tạo áp lực lên chính sách an sinh xã hội của các địa phương, mà còn đẩy kinh tế gia đình của những lao động trung niên rơi vào cảnh bấp bênh.

Vì dịch bệnh COVID-19, chỉ tính đến giữa năm 2020, hơn 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực về việc làm, trong đó đa phần là mất việc.

Số liệu từ Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, sau khi bị sa thải, hơn 40% số công nhân lao động làm công việc tự do. Riêng đối với lao động nữ, có tới hơn 80% lựa chọn công việc là bán hàng rong.

Những ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh lên sinh kế của người lao động là điều không phải bàn cãi, nhưng trong số này, lao động tuổi trung niên đã trở thành nhóm chịu tác động đầu tiên và nặng nề nhất.

Ghi nhận tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh, một trong những nơi tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động toàn thành phố, quá tải là tình trạng diễn ra liên tiếp trong nhiều tháng qua tại đây.

Thất nghiệp - Nỗi ám ảnh của nữ lao động trung niên - Ảnh 1.

Quá tải là tình trạng diễn ra liên tiếp trong nhiều tháng qua tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP Hồ Chí Minh.

"Hiện nay trung tâm có 7 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp, trung bình cao nhất một ngày có thể nhận tới 1.200 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp", ông Lê Minh Phụng, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, năm 2020 được ghi nhận là năm có số lượng hồ sơ cao nhất trong suốt 10 năm kể từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều lứa tuổi, mang theo nhiều cảm xúc đến đây. Nỗi niềm nhất vẫn là những lao động nữ trong độ tuổi trung niên.

"Lớn tuổi đi kiếm việc cũng rất là khó. Các bạn trẻ thì năng động hơn, dễ hơn. Người ta cũng sẽ chọn các bạn trẻ hơn. Bây giờ đang làm mà đổi ngành thì cần phải có kinh nghiệm của ngành khác, thành thử ra nó lại càng khó hơn cho tụi chị", một nữ lao động nhận trợ cấp thất nghiệp chia sẻ.

Mang theo nhiều cái khó, thực tại này là điều dễ kiểm chứng chứ không chỉ là lời kể lể, than van. Từ giữa năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một công ty đã phải cho hơn 4.000 lao động nghỉ việc. Bà Lý, người đã gắn bó suốt 23 năm với công ty, cũng bị sa thải. Sau hơn 5 tháng chỉ ở nhà, nay bà kiếm được việc làm thêm ở một xưởng đông lạnh gần khu trọ. Bà chấp nhận công việc tạm bợ với thu nhập thấp chỉ bằng một nửa so với trước, bởi không thể tìm được phương án thứ hai.

Thất nghiệp - Nỗi ám ảnh của nữ lao động trung niên - Ảnh 2.

Chị Hiến, một công nhân mất việc tại TP Hồ Chí Minh.

Cũng vì việc học của con, chị Hiến đành ở lại căn phòng trọ gần công ty cũ dù đã bị cho thôi việc hơn nửa năm nay. Mọi lựa chọn lúc trẻ dễ dàng bao nhiêu, nay lại khó khăn bấy nhiêu vì trách nhiệm không chỉ là lo cho bản thân mình.

"Thu nhập của mình giảm sút rất nhiều, gần như không đủ ăn, chỉ đủ tiền đóng nhà trọ, lo từng bữa một", chị Hiến bày tỏ.

Những tủi hổ không thể nói ra hết. Ngày ngày, chị Hiến vẫn chăm chỉ tìm việc làm thêm, chẳng rõ bao giờ mới đi hết được con đường khi gánh nặng trước mắt cứ dài ra, chỉ có sinh kế là đang ngày càng thu hẹp lại.

Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt trong năm 2020 Số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt trong năm 2020

VTV.vn - Trong năm 2020, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội tăng tới 90.128 người so với năm trước đó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước