Đêm 22/4 (theo giờ Việt Nam), thị trường dầu tại Mỹ đã chứng kiến mức giá lên cao nhất trong vòng nửa năm qua, sau khi Mỹ chính thức tuyên bố sẽ dừng quyền miễn trừ cho các nước nhập khẩu dầu Iran
Đóng cửa phiên, dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 2,7%, chạm mốc 65,7 USD/thùng, trong khi dầu Brent cũng tăng gần 3%, mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 10 năm ngoái. Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ ngày 2/5 tới, các nước đang hưởng miễn trừ hiện nay sẽ phải ngừng nhập khẩu dầu từ Iran, nếu không muốn bị áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Đây được xem là bước đi nhằm gia tăng mạnh mẽ nhất trừng phạt với Iran, thậm chí vượt qua dự đoán của nhiều nhà phân tích về thị trường dầu.
Thị trường dầu đang cùng lúc phải đối mặt với 3 cơn chấn động từ Iran, Venezuela và Libya. Không khó hiểu vì sao ngay trong bản thân nội các Mỹ cũng đã nảy sinh những bất đồng trước khi quyết định dừng quyền miễn trừ cho các nước nhập khẩu dầu Iran được Tổng thống Trump đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vốn là nhân vật chống Iran kịch liệt, lần này đã phản đối việc chấm dứt sự miễn trừ, cho rằng nó sẽ làm ảnh hưởng tới chính nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, từ khu vực được xem là giếng dầu của thế giới, các quốc gia Vùng Vịnh đã phát đi những thông điệp trấn an tới thị trường. Trang mạng Tin tức Arab cho biết, trước khi quyết định chấm dứt miễn trừ được Tổng thống Trump đưa ra, Mỹ đã đạt được sự thống nhất với Arab Saudi cùng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hai quốc gia hàng đầu của OPEC, trong việc bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt của thị trường.
Lệnh tái triển khai cấm vận nhằm vào ngành dầu của Iran được Tổng thống Trump công bố vào tháng 11/2018. Kể từ đó tới nay, lượng dầu xuất khẩu của Iran đã bị sụt giảm từ hơn 2,5 triệu thùng/ngày xuống còn hơn 1 triệu thùng/ngày.
Với con số đó, trang mạng Arab Weekly cho rằng, nếu có thời điểm nào thích hợp để Mỹ tiến hành một cách thực sự cứng rắn các lệnh cấm vận nhằm vào Iran đó chính là lúc này. Bởi các số liệu mới nhất cho thấy, sản lượng của Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, hiện còn dư khoản 2 triệu thùng/ngày, hoàn toàn có thể bù đắp cho thị trường, nếu lượng dầu xuất khẩu của Iran bị giảm xuống còn 0.
Nhưng liệu thị trường đã có thể thờ phào trước nguy cơ Mỹ thắt chặt đến mức tối đa lệnh cấm vận nhằm vào Iran bởi thị trường đang phải đối mặt cùng lúc với những biến động tại Venezuela và Libya.
Theo trang mạng Al Jazeera (Qatar), những diễn biến gần đây sẽ đặt một sức ép lớn hơn bao giờ hết lên các nhà xuất khẩu dầu. Nhưng cũng không phải quá lo, bởi từ những bài học trong quá khứ, thực tế Mỹ cũng chưa bao giờ đưa được lượng dầu xuất khẩu của Iran về con số 0.
Thận trọng, nhưng không quá lo. Trong quá khứ, các doanh nghiệp Iran bằng cách này hay cách khác cũng đã lách qua được những khe cửa cấn vận. Nhất là lần này, Mỹ lại đang khá đơn độc trong các lệnh cấm vận của mình.
Một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ đã công khai tuyên bố sẽ tìm cách lách khỏi các lệnh cấm vận của Mỹ. Theo Nhật báo Ngôi sao (Libanon), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành một cơ chế thương mại mới với Iran, không phụ thuộc đồng USD. Các quốc gia EU như Pháp, Đức, Anh cũng đang xây dựng một cơ chế, được gọi là công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp của mình trước các lệnh cấm vận thứ cấp do làm ăn với Iran.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!