Theo Reuters, giá trị thị trường giao dịch carbon toàn cầu đạt mức kỷ lục 909 tỷ USD vào năm ngoái. Điều này cho thấy xu hướng phát triển thị trường carbon để giảm phát thải tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay Việt Nam mới có 2 dự án bán tín chỉ carbon ra quốc tế với giá 6 USD/ tín chỉ hoặc 10 USD/tín chỉ. Vì vậy, nước ta có nhiều tiềm năng để xây dựng thị trường carbon. Những khuyến nghị nào dành cho việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam?
Phóng viên VTV Money đã thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Erik Norland - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Sở Giao dịch Hàng hoá Chicago (CME Group) liên quan đến vấn đề trên.
Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam, xin ông cho biết về tình hình thị trường carbon toàn cầu hiện nay?
Ông Erik Norland: Trong vài năm gần đây, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện đều chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các hợp đồng tương lai từ các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như hàng không, sản xuất, hoặc những ngành khác mong muốn bù đắp lượng phát thải carbon.
Tại Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), vào đầu năm nay kỷ lục trong 1 ngày là hơn 6.800 hợp đồng kỳ hạn bù đắp khí thải carbon được giao dịch. Nỗi lo của toàn thế giới về biến đổi khí hậu đang ngày càng lớn, bởi vậy thị trường carbon được thúc đẩy cả vì sự tự nguyện chứ không chỉ là quy định bắt buộc của Chính phủ.
Ông Erik Norland - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Sở Giao dịch Hàng hoá Chicago (CME Group).
Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam, với một số điều kiện thuận lợi như tỷ lệ che phủ rừng khá cao so với thế giới, khoảng hơn 42% trong khi trung bình thế giới khoảng 31%?
Ông Erik Norland: Rừng là một bể chứa carbon lớn, không nên bỏ nhiều diện tích đất trồng rừng để trồng các loại cây khác mang lại thu nhập trước mắt mà nên tập trung phát triển theo hướng giảm phát thải carbon, thu nhập mang lại còn có thể tốt hơn khi nhu cầu thị trường carbon ngày càng lớn. Một thế mạnh khác của Việt Nam là nông nghiệp, nông nghiệp cũng hấp thụ rất nhiều carbon.
Ngoài những lựa chọn giảm phát thải dựa vào thiên nhiên như trên, cũng có thể cân nhắc lựa chọn dựa trên công nghệ, như lắp đặt hệ thống pin mặt trời cho các nhà máy chẳng hạn.
Vậy đâu là lưu ý quan trọng nhất cần lưu ý khi thúc đẩy phát triển thị trường carbon, thưa ông?
Ông Erik Norland: Quan trọng nhất là xem xét tổng thể ảnh hưởng của dự án, đôi khi tưởng lợi mà lại không hẳn. Ví dụ trong một số trường hợp, khi lắp đặt một hệ thống pin mặt trời, điểm tốt là không tạo ra phát thải như than đá hay khí gas. Nhưng mặt khác, hệ thống này cũng có thể được sản xuất từ silica, nhôm, bạc và phần pin để trữ năng lượng có lithium, những thứ này cần dùng nhiên liệu hoá thạch.
Do vậy, khi lắp đặt hệ thống pin mặt trời cần tính toán kỹ lưỡng về các vấn đề trên, để đạt được lợi ích tối ưu về giảm phát thải carbon. Các nước cần có cách tiếp cận tổng thể một cách kỹ lưỡng khi xem xét khi sử dụng các loại năng lượng thay thế, nhưng chưa hoàn toàn là trung hòa carbon.
Xin cảm ơn ông!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!