Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam không chỉ đúng với xu hướng của thế giới, mà sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, đúng theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.
Thị trường tín chỉ carbon rừng được hình thành dựa trên nguyên tắc, các khu vực, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn họ sẽ phải mua quyền lưu giữ carbon của rừng, hay còn gọi là tín chỉ carbon, tại các nước phát thải thấp và có độ phủ rừng cao.
Việt Nam đang có tới 50 triệu tín chỉ CO2 rừng có thể đem bán mỗi năm, tuy nhiên việc bán tín chỉ carbon tại Việt Nam mới chỉ được thí điểm. Hiện Việt Nam còn thiếu nhiều quy định để hình thành thị trường tín chỉ carbon ở trong nước.
Hiện Việt Nam còn thiếu nhiều quy định để hình thành thị trường tín chỉ carbon ở trong nước. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tỉnh Tuyên Quang đứng top đầu cả nước về độ che phủ rừng. Mỗi năm có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán, người mua cũng không thiếu. Tuy nhiên, để biến tín chỉ các bon thành thứ hàng hóa để sinh lời thì hiện chưa có quy định rõ ràng.
Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện trên cả nước có khoảng 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon từ rừng. Vùng có trữ lượng lữu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc 21 triệu tấn carbon mỗi năm.
Tuy nhiên, việc bán tín chỉ carbon chưa thể áp dụng đại trà được vì còn thiếu quy định về việc chuyển nhượng quyền sở hữu tín chỉ carbon, hay quy định tài chính từ nguồn thu này. Theo các chuyên gia, đúng như lộ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng phải mất 6 năm nữa, Việt Nam mới hình thành thị trường carbon.
Các địa phương mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ xây dựng dữ liệu phát thải carbon, thực hiện định giá carbon để đủ điều khiện tham gia thị trường thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!