Mỗi năm, Việt Nam có hơn 70.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin trên cả nước. Dù vậy, theo thống kê của nền tảng tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin TopDev, từ nay đến 2025, Việt Nam sẽ còn thiếu 150.000 đến 200.000 nhân sự IT hàng năm.
Thực trạng "vừa thừa vừa thiếu" của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay được các chuyên gia lý giải là bởi sự chênh lệch giữa trình độ sinh viên ra trường và nhu cầu thực chất của các doanh nghiệp.
Theo khảo sát của đơn vị tuyển dụng Navigos Group, Việt Nam đang phải đối mặt với thực trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao. Theo đó, nhóm kỹ sư có tỉ lệ công việc ổn định cao nhất (65%) là nhóm kỹ sư sở hữu cho mình từ 3 - 8 năm kinh nghiệm. Nhóm kỹ sư có tỉ lệ công việc ổn định thấp nhất (gần 24%) là nhóm chỉ có chưa đến 1 năm làm việc.
Mặt khác, phần lớn các công ty công nghệ khi được khảo sát đều cho biết, mỗi năm chỉ tuyển dụng được khoảng 30% nhân sự đủ đáp ứng nhu cầu chuyên môn trong số các ứng viên.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân sự công nghệ chất lượng cao bằng việc giải quyết vấn đề từ gốc, tức là nâng cao chất lượng sinh viên ra trường.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Phối hợp các cơ sở đào tạo, đặt đầu bài để đào tạo; phối hợp công tác giảng dạy, nhận sinh viên thực tập, cung cấp học bổng. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ GD-ĐT, Bộ TB-LĐ&XH đổi mới các phương thức đào tạo, tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo".
Cũng theo ông Tuyên, hiện nay đào tạo trong các trường đại học là cơ bản, trong khi công nghệ lại thay đổi rất nhanh. Do đó, các trường nên chú trọng đào tạo ngắn hạn, cập nhật giáo trình thường xuyên và ngay cả nhân sự hiện có trong doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật kỹ năng, kiến thức mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!