Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích về xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 03/01/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dịch bệnh đã gây ra những ảnh hưởng chưa từng có tới thương mại quốc tế nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn là lực kéo quan trọng thúc đẩy cả nền kinh tế.

Tận dụng từng khe thị trường để xuất khẩu nông sản

Chưa năm nào, mà xuất nhập khẩu lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như năm 2020 vừa qua. Thương mại toàn cầu bị đứt gãy, việc ký kết các hợp đồng mới và nối lại xuất khẩu là không hề đơn giản.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt gần 544 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và nhiều quốc gia cho rằng đó là kỳ tích của Việt Nam khi hầu hết các quốc gia đối mặt với tăng trưởng âm.

Đặc biệt là với nông sản khi xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 vẫn lập kỷ lục mới với 41,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam đã hành động theo đúng phương châm "tận dụng từng khe hẹp của thị trường".

COVID-19 khiến xu hướng tiêu thụ tôm trên thị trường thế giới năm nay thay đổi. Tôm thẻ chân trắng cỡ nhỏ và chế biến sẵn được ưa chuộng bởi phù hợp với các bữa cơm gia đình. Nắm bắt được nhu cầu thị trường cộng với những ưu đãi thuế quan từ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 tăng hơn 12% so với năm 2019, đạt gần 3,8 tỷ USD.

Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích về xuất khẩu - Ảnh 1.

Năm 2020, gạo Việt Nam cũng lập kỷ lục về giá xuất khẩu, bình quân đạt gần 500 USD/tấn. Ảnh minh họa - Dân trí.

Năm 2020, gạo Việt Nam cũng lập kỷ lục về giá xuất khẩu, bình quân đạt gần 500 USD/tấn. Khối lượng gạo xuất khẩu giảm 3,5% nhưng tăng 9,3% về giá trị. Năm 2020, gạo chất lượng cao chiếm 85% gạo xuất khẩu và sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Bất chấp COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng mở được thị trường trong năm nay. Bưởi đào đường của Bắc Giang lần đầu tiên xuất khẩu sang Nga. Vải thiều tươi được chính thức xuất khẩu sang Nhật Bản. Chuỗi siêu thị Lotte tại Hàn Quốc chính thức đưa chuối Việt Nam lên quầy hàng. Nông sản Việt đang dần nâng tầm thương hiệu, vị thế trên trường quốc tế.

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng xuất khẩu năm 2020

Nỗ lực tìm thị trường từ những khe hở nhỏ nhất cũng là tinh thần chung của Chính phủ trong năm qua nhằm kết nối giao thương và tìm cơ hội mới thúc đẩy xuất khẩu. Phải kể đến nỗ lực đạt được các hiệp định quan trọng như: CPTPP, EVFTA, RCEP... mở ra tuyến đường cao tốc cho hàng hóa Việt Nam ra thế giới.

Với nhiều doanh nghiệp, năm 2020 thực sự là năm vượt khó để khẳng định mình. Với Chính phủ năm 2020 là năm vượt khó để thành công điều hành con tàu kinh tế, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của xuất khẩu.

May mặc, da dày là 2 trong những ngành hàng chịu tác động mạnh khi cả đầu vào và đầu ra đều bế tắc. Năm 2020, tưởng chừng là năm không thể thở của da giày khi người tiêu dùng thế giới cần thực phẩm và đồ y tế... chứ không phải những đôi giày mới.

Tuy nhiên, cuối năm kim ngạch xuất khẩu của ngành này vẫn đạt gần 15 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã ngay lập tức nắm bắt, tận dụng được cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU trong những tháng cuối năm.

Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích về xuất khẩu - Ảnh 2.

Ngành da giày vẫn giữ được tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn. Ảnh minh họa - Dân trí.

Không chỉ có da giày vẫn giữ được tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn, thậm chí có tới 31 mặt hàng mũi nhọn vượt mốc 1 tỷ USD, 6 mặt hàng xuất khẩu trên mốc 10 tỷ USD. Trong khi đầu nhiệm kỳ, mới chỉ có 15 - 16 mặt hàng vượt mốc 1 tỷ USD.

Năm 2020, một năm thử thách nhưng thành tích xuất siêu không những được giữ vững, mà còn có thể lập nên kỳ tích mới khi đạt 20,1 tỷ USD. Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và thực thi đã mở ra cơ hội và thị trường rộng lớn chưa từng thấy.

"Tôi cho rằng việc Chính phủ đã tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, đường xá, cảng biển... đã hỗ trợ rất lớn cho dòng chảy thương mại, đặc biệt là các Hiệp định thương mại lớn trong thời gian qua. Kết quả này cũng đến từ việc Việt Nam có nền tảng kinh tế được củng cố suốt một thời gian dài và đặc biệt là đây là thành quả của nỗ lực bền bỉ không mệt mỏi của Chính phủ", ông Brian Spence - Đồng sáng lập, Công ty Tư vấn đầu tư toàn cầu S&P Investment nói.

Ấn tượng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 5 năm qua

Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đánh giá sự điều khiển khéo léo, tỉnh táo của Chính phủ Việt Nam trong 5 năm qua đã khiến "con ngựa" xuất khẩu luôn về đích, tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, cán cân thương mại liên tục thặng dư, các kỷ lục xuất siêu liên tiếp được thiết lập.

Kể từ năm 2016 tới nay, kết quả xuất nhập khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Cán cân thương mại vào năm 2016 đã "xuất sắc" ngắt mạch nhập siêu kéo dài nhiều năm, xuất siêu 1,77 tỷ USD. Mạch thành tích này tiếp tục được nối dài. Đặc biệt đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 10,87 tỷ USD vào năm 2019 . Cũng trong năm này, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD.

Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích về xuất khẩu - Ảnh 3.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng.

Trong khi đó, tỉ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm. Chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đã tạo nên những kỳ tích về xuất khẩu - Ảnh 4.

Xuất khẩu là điểm sáng của Việt Nam trong năm 2020. Ảnh minh họa - VGP.

Là lối ra của nền kinh tế, xuất khẩu trở thành "mã lực" quan trọng thúc đẩy cỗ máy kinh tế, tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và lan truyền đến các lĩnh vực khác.

Đầu năm khi COVID-19 bắt đầu hoành hành, xuất khẩu không biết về đi về đâu khi giao thương đóng băng. Đằng sau các doanh nghiệp xuất khẩu là biết bao gia đình. Đằng sau con số xuất khẩu là sức khỏe của nền kinh tế khi Việt Nam là một quốc gia có độ mở tới 200%.

Tuy nhiên, con số 544 tỷ USD xuất khẩu năm nay cho mọi người niềm tin vào sức mạnh vượt khó của người dân, doanh nghiệp và sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và nhà nước. Như phát biểu của thủ tướngNguyễn Xuân Phúc: "Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước