Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%/năm vào năm 2025

PV-Thứ ba, ngày 29/09/2020 20:42 GMT+7

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

VTV.vn - Chiều 29/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm việc với Bộ KH&ĐT về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025.

Chiều nay (29/9), Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế và kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 cũng như phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đánh giá, GDP giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,8%, dù năm 2020 dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến nền kinh tế, đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm các nước cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD/người, cao gấp 1,3 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ giai đoạn 2016 - 2020 phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và chưa thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực.

Mặc dù, còn nhiều khó khăn cho các mục tiêu cho giai đoạn tới, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nêu một số mục tiêu dự kiến chủ yếu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 7%/năm vào năm 2025 - Ảnh 1.

GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.750 USD/người. (Ảnh minh hoa: Báo Đầu tư)

Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2025 gồm bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Mục tiêu đề ra đến năm 2025 GDP bình quân sẽ tăng 6,5 - 7%/năm. Đầu tư công trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa tính kỷ luật, trách nhiệm người đứng đầu mới có thể hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ rất khác giai đoạn trước; đặc biệt, năm 2021 sẽ rất khó khăn và đại dịch COVID-19 chưa thể dừng lại trước tháng 6/2021.

Thế giới chưa thể trở lại trạng thái bình thường; dự báo năm 2023 mới có thể trở lại trạng thái bình thường. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng kế hoạch nguồn vốn ngân sách và Bộ cần thắt chặt kế hoạch trong 5 năm tới.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế chủ yếu, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế số; đẩy mạnh phát triển vùng và liên kết các vùng, phát triển khu kinh tế; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ phát triển đô thị, gắn phát triển đô thị và nông thôn; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ...

GDP 9 tháng đầu năm tăng 2,12% GDP 9 tháng đầu năm tăng 2,12%

VTV.vn - Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước