Nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã có lãi và đã chuyển về nước trong năm nay gần 2 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, gồm cả cấp mới và điều chỉnh, đạt gần 421 triệu USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tổng vốn giảm nhưng số dự án lại tăng, lên tới 124 dự được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới. Điều đó cho thấy đầu tư ra nước ngoài vẫn tiếp tục là một kênh đầu tư hấp dẫn cao đối với các doanh nghiệp.
Nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đã có lãi và đã chuyển về nước trong năm nay gần 2 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đầu tư tại 79 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào 16 ngành, lĩnh vực… Trong đó, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đang là ưu thế lớn của doanh nghiệp Việt.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: "Chúng ta cần có một chính sách thực sự là rõ ràng, thuận lợi trong việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Phải có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để tăng cường năng lực khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài như hỗ trợ về thuế hoặc hỗ trợ về đầu tư khoa học công nghệ, tạo chỗ đứng và sự yên tâm cho doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế".
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, năm nay tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 37 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt trên 23 tỷ USD - mức giải ngân kỷ lục từ trước tới nay.
Có thể thấy hiệu quả trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như việc đẩy mạnh đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài sẽ là giải pháp để dòng vốn đầu tư thực sự trở thành lực đẩy cho phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!