Sự điều hành sát sao, khả năng kiềm chế lạm phát của Chính phủ, sự ổn định của tỷ giá… sẽ là nền tảng để các lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, doanh nghiệp từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đà hồi phục kinh tế đã lan tỏa rộng khắp các lĩnh vực, từ hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu, bán lẻ, tới sự hồi phục mạnh mẽ của của ngành công nghiệp không khói là du lịch.
Trên nền tăng trưởng GDP trong quý 2 cao nhất trong vòng 11 năm, đạt 7,7%, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam sẽ xác lập mức đỉnh mới.
Một số chuyên gia nhận định mặc dù sẽ chịu tác động nhất định từ các yếu tố bên ngoài, nhưng Việt Nam vẫn là 1 điểm sáng. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 3 sẽ đạt gần 11% và gần 4% trong quý 4 nhờ sự phục hồi và tăng trưởng một cách mạnh mẽ, như xuất khẩu tăng gần 20%, sản xuất công nghiệp tăng khoảng 15% và lĩnh vực bán lẻ, theo số liệu mới đây, tăng gần 10%..., những chỉ số rất tích cực", ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam - Ngân hàng Standard Chartered, cho biết.
Do vậy, các định chế tài chính lớn đều cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ ở mức cao, trong khoảng 6,8 - 6,9%, thậm chí còn cao hơn, và là 1 trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
"Việt Nam đang có vị thế rất tốt nếu so với các nền kinh tế khác trong khu vực châu Á, với nhiều lợi thế cạnh tranh: Việt Nam có lực lượng lao động chăm chỉ, lành nghề, có dự trữ ngoại hối dồi dào, giá trị tiền đồng ổn định, sự điều hành sát sao của Chính phủ, có những chính sách thu hút FDI hấp dẫn… Do vậy, tôi cho rằng về dài hạn, Việt Nam vẫn luôn là một nền kinh tế đầy hứa hẹn", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá.
"Chính nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực và độ mở cao của nền kinh tế mà Việt Nam đang thu hút tốt nguồn vốn ngoại FDI, đặc biệt chúng ta thấy FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực chính của nền kinh tế đã tăng 26% trong năm nay và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm sau", bà Era Dabla-Norris, Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
Theo nhận định của một số chuyên gia từ các tổ chức quốc tế, mặc dù sẽ chịu tác động nhất định từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát cao hay sự giảm phát của nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là 1 điểm sáng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!