Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu tái chế nhựa và gần 60% nguyên liệu tái chế giấy.
Gần 3 tháng trước, một liên minh tái chế bao bì với 9 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành hàng tiêu dùng đã được thành lập và ngày 11/9 là cái bắt tay đầu tiên giữa doanh nghiệp và Chính phủ để cùng tìm lời giải chung cho vấn đề tái chế bao bì, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Chính phủ - doanh nghiệp chung tay nói không với chất thải
Ngày 11/9, Bộ TN&MT và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã cùng tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Tại lễ ký kết ngày 11/9, mỗi khách mời được phát tờ hướng dẫn doanh nghiệp cách tái chế chai nhựa, hộp sữa hay vỏ lon. Theo đó, quy trình sản xuất, tiêu dùng không còn là một đường thẳng kết thúc ở thùng rác hay bãi rác mà trở thành những vòng tròn khép kín.
Mỗi vỏ chai, vỏ lon, vỏ hộp giờ là nguyên liệu để chế tạo ra một thành phẩm khác. PRO Việt Nam, với những cái tên như Coca-Cola, La Vie hay Nestle, đặt mục tiêu tới 2030, 100% bao bì thải ra của những doanh nghiệp này đều sẽ được thu gom và tái chế.
Thay mặt chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường nhấn mạnh, doanh nghiệp có thể trở thành phần quan trọng của giải pháp đối với vấn đề rác thải. Tới đây, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp và cộng đồng để sửa đổi Luật Môi trường 2014, hướng tới giải pháp tổng thể đối với rác thải.
Cũng trong buổi lễ ngày 11/9, so với 3 tháng trước, số lượng thành viên PRO Việt Nam đã tăng từ 9 lên 12 thành viên. Bởi như nhiều người vẫn nói, muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.
Thay đổi tư duy tiêu dùng - tái chế
Bộ 3 nguyên tắc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, gọi tắt là 3R, là một nội dung trọng tâm trong hợp tác giữa Chính phủ và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).
Thế nhưng, cũng như bộ kiềng 3 chân, cái bắt tay giữa Chính phủ và tư nhân chỉ có thể đạt được mục tiêu mong muốn nếu nó thực sự lan tỏa được tầm ảnh hưởng tới mỗi người tiêu dùng. Đây cũng là mong mỏi của các thành viên PRO Việt Nam.
Cách đây 3 tháng, Bộ TNMT cũng đã có lễ ra quân toàn quốc chương trình phòng chống rác thải nhựa, với sự tham dự Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cũng hướng tới mục tiêu này, hiện nay Bộ Công Thương cũng đã dự thảo chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn.
Đây là những nỗ lực từng bước của Việt Nam khi là 1 trong 127 quốc gia thông qua nghị quyết Hội đồng Môi trường LHQ về xử lý rác thải nhựa, rác thái biển cũng bởi rác thải không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia nào.
Vì thế, kinh tế tuần hoàn cũng là hướng đi chung được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. 4.500 tỷ USD và hàng trăm triệu việc làm mới vào năm 2030 là giá trị thị trường toàn cầu mang lại nếu áp dụng các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn. Tiềm năng còn rất lớn, bởi một con số gây sốc là hiện cũng mới chỉ có 14% lượng rác thải nhựa sử dụng trên toàn cầu được tái chế mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!