Bên lề kỳ họp đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu GEF, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cùng với chính phủ các nước và các tổ chức liên quan đã tổ chức hội thảo về "Kinh tế tuần hoàn với các lợi ích môi trường toàn cầu" nhằm tìm ra các cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn để tạo ra lợi ích cho môi trường dựa trên sự phát triển công nghiệp xanh.
Cộng sinh công nghiệp - một khái niệm khá mới mẻ góp phần tạo nên kinh tế tuần hoàn đã được UNIDO đưa vào Việt Nam trong hơn 3 năm qua, khi tổ chức này triển khai thí điểm dự án xây dựng các khu công nghiệp sinh thái tại Đà Nẵng, Ninh Bình và Cần Thơ.
Cộng sinh công nghiệp là việc các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp hợp tác với nhau để trao đổi chất thải hoặc năng lượng thừa. Những thứ thải ra của doanh nghiệp này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp kia hoặc tận dụng nhiệt thừa, năng lượng thừa trong qua trình sản xuất của mình để chia sẻ cho doanh nghiệp "hàng xóm". Theo đánh giá của UNIDO, doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng cộng sinh công nghiệp rất lớn.
Kinh tế tuần hoàn đảm bảo rằng các tài nguyên được sử dụng liên tục và có tính tái tạo, đây được xem là phương án giúp tạo ra lợi ích cho môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc tiếp cận kinh tế tuần hoàn, mà cụ thể là thúc đẩy cộng sinh công nghiệp, công nghiệp sinh thái vẫn còn vướng rào cản.
Theo UNIDO, chỉ sau 3 năm thí điểm triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái, 72 doanh nghiệp tại các KCN ở Đà Nẵng, Cần Thơ và Ninh Bình đã tiết kiệm được hơn 200 tỷ đồng nhờ tiết giảm được lượng chất thải ra môi trường cũng như tận dụng hiệu quả tài nguyên để sản xuất sạch hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!