Việt Nam là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu

Kate Trần-Thứ năm, ngày 19/12/2024 16:53 GMT+7

Ngành công nghiệp LNG đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: TL

VTV.vn - Với tiềm năng tăng trưởng vượt bậc của thị trường LNG, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để khai thác lợi thế trong chuỗi cung ứng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu.

Ngành công nghiệp LNG không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia. Các nước như Qatar, Mỹ, Australia, Nga, và nhiều quốc gia khác đã xây dựng những cơ sở hạ tầng hiện đại để xuất khẩu LNG ra thế giới, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu.

Vị thế lớn trên bản đồ LNG toàn cầu

Đánh giá tại Diễn đàn Chuỗi Phân phối LNG Toàn cầu và Vị thế của Việt Nam diễn ra ngày 18/12, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp LNG không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia. Vì vậy ngành này đang phát triển mạnh mẽ, các quốc gia sản xuất và tiêu thụ LNG ngày càng gia tăng, tạo thành một mạng lưới phân phối toàn cầu. 

Theo ông Nguyễn Đức Tùng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương, hiện tổng công suất LNG hóa lỏng toàn cầu đạt khoảng 482,5 MT với tỷ lệ vận hành trung bình của các nhà máy là 88,7% trong năm 2023. Mỹ là quốc gia có công suất hóa lỏng lớn nhất, khoảng 91,4 triệu tấn mỗi năm (MTPA), tiếp theo là Australia với công suất 87,6 MTPA và Qatar với 77,1 MTPA.

Bên cạnh các nhà máy đang vận hành, trong năm 2023, toàn thế giới có khoảng 58,8 MTPA được chấp thuận đầu tư hoặc đang triển khai đầu tư và khoảng 1.046 MTPA tiềm năng đang thực hiện đánh giá tiền khả thi.

Đánh giá về Việt Nam, các chuyên gia cho biết, Việt Nam với tiềm năng và vị thế chiến lược, đang có những bước tiến vững chắc để tham gia vào chuỗi cung ứng LNG toàn cầu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ. 

Được biết, năm 2023, Việt Nam chính thức ghi tên vào bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là nhà nhập khẩu mới. Nước ta có vị trí địa lý thuận lợi, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống cảng biển hiện đại, gần các trung tâm LNG lớn của Đông Nam Á. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường năng lượng và những chính sách ưu tiên trọng điểm từ Chính phủ, ngành công nghiệp LNG tại Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới. Hiện có rất nhiều dự án đầu tư lớn trong cơ sở hạ tầng LNG. Việt Nam đang được biết đến là một nhà nhập khẩu tiềm năng và tương lai sẽ là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu nói chung và của khu vực nói riêng.

"Dự báo, nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ khoảng từ 15 - 20 MTPA vào năm 2030 và khoảng từ 20 - 25 MTPA vào năm 2035. Do đó, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng LNG tại Việt Nam, gia tăng vị thế trong chuỗi LNG toàn cầu cũng là nhu cầu phát triển tất yếu”, ông Tùng nhấn mạnh.

Việt Nam là “mắt xích” quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu - Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn

Đồng thời các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, sự phát triển của công nghệ hóa lỏng, kho chứa và vận chuyển LNG sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tham gia vào ngành công nghiệp này, nhất là đối với những quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như Việt Nam. 

Bà Đặng Thị Thủy, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho biết, nhu cầu thị trường khí Việt Nam, bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu giai đoạn 2030 – 2050, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40% – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ dao động từ 55% - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực: Sản xuất điện; nông nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu. Dự án điện và kho cảng LNG đang khiến thị trường LNG tại Việt Nam trở nên sôi động, lượng khí LNG nhập khẩu vào Việt Nam sẽ phục vụ chính cho việc sản xuất điện khí nhằm giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường từ nhiệt điện than, cùng với đó là đảm bảo nguồn cung ổn định trước sự sụt giảm của tài nguyên than đá, thủy điện do hạn hán và khai thác quá mức đe dọa sản lượng phát điện trong tương lai gần.

Gỡ vướng để ngành công nghiệp LNG phát triển

Thực tế cho thấy, chuỗi cung ứng LNG đang phải đối mặt với những thách thức lớn về cơ sở hạ tầng, logistics và sự biến động của giá cả. Tại Việt Nam, do mới phát triển nên lượng tiêu thụ LNG của Việt Nam còn thấp. Hơn thế nữa, "do gia nhập thị trường LNG quốc tế muộn, Việt Nam buộc phải tuân thủ các thông lệ quốc tế được định sẵn trong quá trình nhập khẩu LNG. Hơn thế nữa, hiện cơ sở vật chất và hành lang pháp lý cho việc nhập khẩu LNG đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại", bà Thủy đánh giá. Ngoài ra, tình hình địa chính trị trên thế giới căng thẳng với cuộc xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung và mức giá LNG trong thời gian tới. 

Theo quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cả nước sẽ xây dựng 6 kho cảng LNG với tổng chi phí hơn 10 tỷ USD. Điều này giúp Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch như: Than đá, điện năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời…) đồng thời giảm lượng khí thải, gắn liền phát triển bền vững với bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, theo ông Lã Hồng Kỳ - đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nút thắt để phát triển nguồn điện khí.

Trên thực tế, hiện ngành công nghiệp LNG đang đối mặt với nhiều thách thức như một số tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư do còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Trong quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí; Các chủ đầu tư đã được giao dự án cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay...

Do đó, theo ông Kỳ, để các dự án nhà máy nhiệt điện khí tiếp tục được triển khai đúng tiến độ thì ngoài việc xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp cần phải tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, thách thức nêu trên.

Đáng chú ý, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, sự phát triển ngành LNG tại Việt Nam không chỉ đơn thuần là vấn đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mà còn đòi hỏi những chiến lược hợp tác quốc tế bài bản, sự cập nhật nhanh chóng xu hướng thị trường và đề xuất các chính sách tiên tiến nhất.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đang hoàn thiện các tiêu chuẩn và quy định để tạo hành lang pháp lý phù hợp, mở đường cho việc chuyển đổi sử dụng LNG rộng rãi hơn trong thời gian tới./.

Nhiều dự án LNG có nguy cơ chậm tiến độ

Theo ông Lã Hồng Kỳ, đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án năng lượng, trong số 14 dự án nhiệt điện khí đang triển khai, chỉ có Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 - các dự án sử dụng LNG nhập khẩu - dự kiến vận hành vào quý 2 và quý 3-2025. Đây là 2 dự án nổi bật trong danh mục điện khí LNG tại Việt Nam. Các dự án điện khí LNG khác có thể hoàn thành trước năm 2030, bao gồm các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Ô Môn và Hiệp Phước giai đoạn 1, với tổng công suất 6.634MW. Các dự án này chỉ khả thi nếu hoàn tất đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA), hợp đồng mua bán khí (GSA) và thu xếp vốn trước năm 2026.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước