Việt Nam sẽ ngăn chặn các nền tảng thương mại điện tử vi phạm pháp luật

Kate Trần-Thứ năm, ngày 19/12/2024 10:01 GMT+7

VTV.vn - Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường thương mại điện tử công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.

Việt Nam sẽ ngăn chặn các nền tảng thương mại điện tử vi phạm pháp luật - Ảnh 1.

Ông Hoàng Ninh - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương sẽ tập trung cao độ rà soát tổng thể hoạt động của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.

*PV: Thưa ông, xin ông chia sẻ đôi nét về vấn đề quản lý các sàn thương mại điện tử cũng như các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay?

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Temu, Shein, 1688… chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam, vẫn cho người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một số sàn TMĐT chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Đơn cử như Temu, dù chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, nhưng thực tế, từ gần hai tuần nay, Temu đã triển khai rầm rộ các chương trình khuyến mãi khủng. Temu còn kêu gọi người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng tham gia chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate), với chiết khấu lên tới 30%. Chưa hết, nền tảng này còn tặng tới 1,5 triệu đồng cho người dùng ứng dụng mới trên App Temu, thậm chí giảm đến 90% kèm theo miễn phí vận chuyển.

Trước thực trạng đó, để siết chặt quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới nói chung, thời gian gần đây, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp. Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với việc ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT, sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. 

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường giám sát, kiểm soát hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; Chỉ đạo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Chú trọng tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.

Song song với đó, toàn ngành Công Thương đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng khi giao dịch hàng hóa trên các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký hoạt động và chưa được cơ quan nhà nước quản lý để tránh những rủi ro, trong đó có nguy cơ rò rỉ về dữ liệu thông tin cá nhân.

*PV: Cho đến thời điểm này, vì sao Bộ Công Thương chưa cấm ngay các sàn TMĐT xuyên biên giới hoạt động "chui", thưa ông?

Về việc cấm các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký cần được xem xét tổng thể, thận trọng. Trong đó, đầu tiên cần đánh giá tác động toàn diện, phối hợp cơ quan chức năng khác như công an, thuế, hải quan… để hiểu rõ về tình hình giao dịch và mức độ vi phạm cũng như tuân thủ pháp luật của các sàn TMĐT.

Việt Nam sẽ ngăn chặn các nền tảng thương mại điện tử vi phạm pháp luật - Ảnh 3.

Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải pháp giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu qua các sàn chưa tuân thủ pháp luật.

Mới đây, Tổng Cục Quản lý thị trường đã ban hành công văn khẩn gửi các địa phương, yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử. Trong đó yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm các website có dấu hiệu vi phạm trong danh sách đã cung cấp. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường giám sát, phối hợp với các đơn vị liên quan để truy tìm và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải pháp giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu qua các sàn chưa tuân thủ pháp luật. Nếu tiếp tục vi phạm mặc dù đã được cảnh báo, có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt như chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này. 

*PV:Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về các giải pháp “dựng hàng rào” với hàng hoá từ các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký? 

Trước hết, cần khẳng định rằng, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh quy định về TMĐT. Với các sàn thuộc phạm vi điều chỉnh quy định pháp luật Việt Nam, trước khi hoạt động phải đăng ký. Các sàn phải có quy chế hoạt động công khai, minh bạch, quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xử lý vi phạm. Các sàn phải phối hợp với cơ quan nhà nước để ngăn chặn giao dịch vi phạm.

Việc đăng ký và tuân thủ các yêu cầu tại Việt Nam là điều cần thiết để đảm bảo môi trường TMĐT công bằng, minh bạch và có trách nhiệm. Với các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký, Bộ Công Thương làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng xuyên biên giới thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Từ đó yêu cầu các nền tảng này thực hiện các bước đăng ký chính thức và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch thông tin và an toàn dữ liệu. 

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu hải quan các địa phương không thông quan với những tờ khai vận chuyển hàng hóa không khai thông tin về website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, tên website thương mại điện tử bán hàng, ứng dụng bán hàng. Ngoài ra, cũng sẽ không thông quan với tờ khai có khai thông tin website cung cấp dịch vụ TMĐT, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT… nhưng chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử tại trang online.gov.vn của Bộ Công Thương.

Nếu quá thời hạn mà các sàn vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.

*PV: Xin ông cho biết, nguy cơ rủi ro từ các sàn TMĐT xuyên biên giới không phép là gì và ngành Công Thương đã có những khuyến cáo như thế nào đối với người tiêu dùng?

Hơn thế nữa, người tiêu dùng còn đối diện với nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện tử… mà không nhận được hỗ trợ theo quy định pháp luật từ phía các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, khi giao dịch trên các nền tảng TMĐT chưa đăng ký, người tiêu dùng thường phải cung cấp thông tin thanh toán quốc tế, như thẻ tín dụng hoặc ví điện tử… làm tăng nguy cơ thông tin cá nhân bị khai thác trái phép.

*PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước