Bên lề Diễn đàn Chính trị Cấp cao của Liên hợp quốc đang diễn ra tại New York, Mỹ, Việt Nam đã phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác tổ chức phiên thảo luận về "Kinh tế xanh và những tác động chuyển đổi đối với phát triển bền vững". Đại diện của Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm của nước ta trong thúc đẩy nông nghiệp xanh và những thách thức đối với nông nghiệp bền vững.
Nền kinh tế xanh được xây dựng trên cơ sở các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, vừa đem lại lợi ích toàn diện cho người dân, vừa giảm thiểu tác động tới môi trường. Đại diện các nước và tổ chức quốc tế đã trình bày các giải pháp hướng tới mục tiêu này.
Bhutan chia sẻ chính sách du lịch "giá trị cao, tác động thấp" nhằm hạn chế số lượng du khách hàng năm trong khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và không ảnh hưởng đến môi trường, cũng như di sản văn hóa. Đây được xem là một trong những điển hình về du lịch bền vững.
Liên minh châu Âu (EU) nêu ví dụ về "Nền kinh tế tuần hoàn". Nếu như nền kinh tế sản xuất thường bao gồm các giai đoạn chung nhất như "Khai thác - Sản xuất - Vứt bỏ" thì "Nền kinh tế tuần hoàn" lại nhấn mạnh việc tái sử dụng rác thải để sản xuất ra các sản phẩm khác, thay vì vứt bỏ hoặc tiêu hủy.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã trình bày các thành tựu trong nông nghiệp của Việt Nam và chính sách thúc đẩy nông nghiệp xanh. Trong đó, nổi bật là mô hình VietGAP giúp ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất, thu hoạch và hậu thu hoạch.
Đại sứ Đặng Đình Quý nói: "Mô hình VietGAP hiện nay đã mở rộng tới gần như tất cả các tỉnh, thành tại Việt Nam. Thông qua việc đào tạo và hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình VietGAP, lượng thuốc trừ sâu và hóa chất đã giảm từ 2-3 lần mỗi vụ. Thu nhập của nông dân áp dụng VietGAP tăng lên đáng kể, tới 7-8 lần tại một số địa phương"
Phiên thảo luận "Kinh tế xanh và những tác động chuyển đổi" là sự kiện do Việt Nam đồng tổ chức bên lề Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên hợp quốc. Vào tuần tới, cũng tại diễn đàn này, đại diện Việt Nam sẽ trình bày báo cáo tự nguyện quốc gia về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!