Trong bài báo “Bia và xăng” đăng tải trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 26/10, tác giả đã kể câu chuyện mắt thấy tai nghe tại Malaysia hồi tháng 8/2015 về giá xăng và giá bia.
Tháng 8 là thời điểm giá xăng thế giới đã giảm về gần 40 USD/thùng và ở Việt Nam, mọi người đang mong giá xăng giảm từng ngày bởi giá xăng trong nước lúc đó đang ở mức hơn 20.000 đồng/lít. Nhưng tại Malaysia, giá xăng lúc đó chỉ khoảng 11.000/lít, thấp hơn gần 1/2 so với giá xăng ở Việt Nam.
Lý do giá xăng Malaysia thấp bởi quốc gia này đã giảm tối đa các khoản phí và thuế đối với xăng dầu.
Trong khi đó, 1 lít xăng tại Việt Nam đang phải gánh 4 loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Kết quả là giá cước cho 1 container hàng từ Malaysia đến TP.HCM thấp chỉ bằng 1/5 giá cước cũng container hàng đó từ cảng Hải Phòng đến TP.HCM.
Đó là câu chuyện giá xăng. Còn giá bia lại trái ngược hoàn toàn. Giá bia ở Malaysia đắt hơn Việt nam đến hơn 3,5 lần. Vậy giá bia đắt cũng có thể là do những quy định hạn chế uống rượu bia cho phù hợp với quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi?
Đó cũng là một lý do. Nhưng nếu chúng ta đến Singapore, quốc gia khá đa dạng về sắc tộc, có thể thấy, bia tại đây cũng vô cùng đắt, giá thậm chí còn trên 100.000 đồng/chai. Vậy tại sao giá bia ở Việt Nam lại rẻ hơn nhiều vậy?
Mặc dù không có lý giải cụ thể nhưng con số tổng nộp Ngân sách hàng năm của Tổng Công ty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn khoảng 13.000 tỷ đồng cũng đáng để suy ngẫm khi cả tỉnh nghèo Hà Tĩnh chỉ thu được 380 tỷ đồng, bằng 1/7 tổng thu ngân sách của tỉnh.
Câu hỏi mà tác giả bài báo trên tờ Kinh tế Sài Gòn đặt ra ở đây là Việt Nam chọn chính sách xăng dầu giá rẻ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế hay khuyến khích người dân uống nhiều bia để thu thuế được nhiều hơn?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!