5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/5, hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ nên kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 5/2023 tăng so với tháng 4/2023.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 55,86 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giảm 12,3%. Trong tháng, Việt Nam ước tính xuất siêu 2,24 tỷ USD.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm của Việt Nam ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 18,56 tỷ USD.
23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 của Việt Nam ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,79 tỷ USD, tăng 1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,26 tỷ USD, tăng 5,5%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 giảm 5,9%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 5,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,8%.
Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 35,19 tỷ USD, giảm 13,2%, chiếm 25,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 100,98 tỷ USD, giảm 11,1%, chiếm 74,2%.
Có 23 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,4%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 1,77 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 120,24 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 10,79 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 3,37 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 21,17 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Máy tính, điện tử và linh kiện với 20,32 tỷ USD, giảm 9,8%; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 16,55 tỷ USD, giảm 5; hàng dệt may với 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%.
Ngoài ra, phương tiện vận tải và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ đạt lần lượt 5,42 tỷ USD và 5 tỷ USD, lần lượt tăng 12,5% và giảm 28,7%.
Trong tổng 34 mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam 7 mặt hàng có trị giá tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2022. Gạo là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất với 52%, tiếp đến là rau quả với 32%; giấy và sản phẩm giấy với 19%...
Ngược lại, có tới 27 mặt hàng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ có mức giảm lớn nhất với -28,7%; tiếp đến là thủy sản với -28,1%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ với -27,4%; xơ, sợi dệt các loại với -27%; cao su với -23,7%...
Trong nhóm nông sản, cà phê, chè và sắn, sản phẩm sắn giảm lần lượt -2,2%; -7,9% và -4%. Ngược lại, hạt điều, hạt tiêu và gạo tăng lần lượt 7%, 35,4% và 40,8%.
Trong nhóm này, có 4 mặt hàng đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, bao gồm cà phê với 2,04 tỷ USD; gạo với 2,05 tỷ USD, rau quả 1,87 tỷ USD và hạt điều với 1,28 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu giảm gần 18% so với cùng kỳ
Đối với nhập khẩu hàng hóa, tháng 5/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,31 tỷ USD, tăng 3,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,5 tỷ USD, tăng 7,8%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 giảm 18,4%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 24,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 14,7%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 43,95 tỷ USD, giảm 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 82,42 tỷ USD, giảm 17,5%.
Có 24 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Riêng máy vi tính, điện tử linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác và vải là 3 mặt hàng đạt kim ngạch từ 5 tỷ USD trở lên, với lần lượt ước đạt 31,69 tỷ USD; 15,76 tỷ USD và 5,13 tỷ USD.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 118,31 tỷ USD, chiếm 93,6%; trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 43,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 8,06 tỷ USD, chiếm 6,4%.
Trong số 37 mặt hàng nhập khẩu, có 9 mặt hàng ghi nhận tăng trưởng dương. Cụ thể, sản phẩm từ kim loại, dầu thô và thủy sản là 3 mặt hàng ghi nhận tăng 2 con số với lần lượt 14,8%; 12,6% và 11,9%. Đứng sau là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,4%; hạt điều 6,8%...
5 tháng đầu năm, Việt Nam có 28 mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng âm. Trong đó, mặt hàng giảm lớn nhất là điện thoại và linh kiện giảm 64%; tiếp đến là cao su với -43%; gỗ và sản phẩm gỗ -36%...
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 43,4 tỷ USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất siêu sang Mỹ ước đạt 31,2 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 521 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 564 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc 23,6 tỷ USD, giảm 16,7%; nhập siêu từ Hàn Quốc 10,8 tỷ USD, giảm 38,3%; nhập siêu từ ASEAN 3,4 tỷ USD, giảm 41,3%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!