Tác động từ cuộc họp của FED khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm cũng đã tác động ít nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Sự phân hoá diễn ra ngay từ thời điểm mở cửa và ngày càng rõ nét.
Áp lực bán dâng cao dần về cuối phiên kéo chỉ số VN30 Index về dưới mốc tham chiếu. Một số cổ phiếu ngân hàng tiếp tục điều chỉnh. VPB nối dài đà giảm từ đầu tuần khi mất thêm 1,3%. BID liên tục trồi sụt, chân nến kéo xuống dưới đường MA20, hay TCB có thêm phiên tích luỹ.
Chiều ngược lại VCB, CTG, STB tăng nhẹ. Trong xu hướng giằng co liên tục, các cổ phiếu bất động sản tỏ ra khá lấn lướt và giữ vai trò trụ đỡ cho chỉ số chung. Ngoài một số cái tên tiếp tục "thăng hoa" như BCM, DIG thì PDR, HPX hay các mã bất động sản công nghiệp đã thu hút dòng tiền trở lại.
Ở một diễn biến khác trên thị trường trái phiếu, các doanh nghiệp bất động sản cũng là nhóm dẫn đầu, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành trong tháng 11. Trong khi các gói hỗ trợ kinh tế vẫn chưa "ngã ngũ" thì đã có những tín hiệu cho thấy sự hội tụ của dòng tiền vào một số nhóm ngành.
Các cổ phiếu cảng biển sau phiên hưng phấn ngày 15/12 đã ngay lập tức hạ nhiệt. GMD, SGP, PHP giảm từ 0,7 - 1,3%. Chỉ có VNA, VOS giữ được đà tăng.
Trong khi đó, giá cước vận tải có thể hạ nhiệt trong năm 2022 do nhiều yếu tố vĩ mô, tuy nhiên khó có thể về mức thấp ngay trong năm sau. Vì vậy, một số công ty chứng khoán vẫn tỏ ra lạc quan với biên lợi nhuận của ngành này trong quá trình phục hồi kinh tế.
Tạm dừng phiên sáng nay, VN-Index có thêm 1,24 điểm lên 1.476,74 điểm. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.
Nhóm thép chưa thể chính thức quay trở lại "đường đua" sau một phiên huy hoàng thì sáng nay lại tiếp tục điều chỉnh. POM giảm mạnh 2,6%, các ông lớn HPG, NKG, HSG cùng mất điểm. Như vậy, lượng cổ phiếu thép T+3 về tay nhà đầu tư hôm nay lại quay về gần mức giá đã mua vào.
Theo các phân tích kỹ thuật, hiện nhóm này vẫn đang ở vùng định giá hấp dẫn với mức P/E bình quân khoảng 5 lần, tuy vậy trong những phiên "nhạy cảm" như thế này giới đầu tư vẫn khá chần chừ với thép.
Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn như MOM và MACD vẫn khá trung lập, báo hiệu trạng thái tích lũy của VN-Index có thể vẫn sẽ tiếp diễn trong một vài phiên tới.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index có thêm 1,24 điểm lên 1.476,74 điểm. Hơn 485,09 triệu cổ phiếu được giao dịch, giá trị tương đương hơn 13.000 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 2,41 điểm lên 456,1 điểm. Hơn 66,1 triệu cổ phiếu được giao dịch với giá trị hơn 1800 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!