Phiên giao dịch hôm nay (13/1), thị trường chứng kiến áp lực chốt lời mạnh ở nhóm bất động sản. Các mã dẫn dầu nhóm bất động sản nằm sàn la liệt, trắng bên mua như: CEO, CII, DIG, NHA…
Nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì được sắc xanh khi đây vẫn được coi là điểm sáng bất động sản trong năm 2022 nhờ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô và các biện pháp phục hồi kinh tế. Đơn cử như mã SZC tăng 1,06%, đạt 66.700 đồng/đơn vị.
Áp lực bán của thị trường càng bị đẩy lên mức cao vào cuối phiên. Đà giảm của nhóm cổ phiếu bất động sản lan rộng đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu, trong đó, BCM giảm sàn, VRE giảm 4,2%, GVR giảm 3%...
Trong phiên sáng, các cổ phiếu ngân hàng như BID, MBB, CTG… đều đồng loạt tăng mạnh, thậm chí BID tăng trần. Đến chiều, sự rung lắc của thị trường chung đã phần nào khiến nhóm cổ phiếu này hạ nhiệt, một số cổ phiếu về lại mức tham chiếu, trong đó STB quay đầu giảm 1,15%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí với các mã GAS, PVC, PVD, PVS, PVG, BSR, OIL… hút dòng tiền khá tốt và tăng điểm đầu phiên sáng, nhưng sau đó có dấu hiệu chững lại và cũng quay đầu giảm về quanh tham chiếu.
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bluechip như PNJ, FPT, HPG… tăng điểm giúp điểm số thị trường giữ ở mức cân bằng, dù số mã giảm trên toàn thị trường đang chiếm ưu thế. Cụ thể, PNJ tăng 1,5%; FPT tăng 2,8% hay HPG tăng 1,1%.
Kết phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 14,46 điểm xuống 1496,05 điểm. Đây là phiên thứ 2 trong tuần giao dịch này, chỉ số này thủng mốc 1.500 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 327 mã giảm và 38 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 12,81 điểm xuống 460,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 114 triệu đơn vị, tương ứng hơn 3.448,27 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng, 201 mã giảm và 22 mã đứng giá.
UPCoM-Index cùng giảm 1,52 điểm xuống 112,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 101,5 triệu đơn vị, tương ứng gần 2.147,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 122 mã tăng giá, 228 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
Giá trị thanh toán toàn thị trường giảm 15% với hôm qua (12/1), với tổng giá trị khớp lệnh đạt 36.440,77 tỷ đồng, tương ứng tổng khối lượng giao dịch hơn hơn 1,21 tỷ đơn vị; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 16% xuống 30.845 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng ghi nhận bán ròng trở lại khoảng gần 120 tỷ đồng ở sàn HOSE, trong khi tiếp tục mua ròng ở sản HNX và UPCoM.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!