Vốn đầu tư công là tiền thuế của Nhân dân, không ai có quyền "ban phát"

Thuỳ An-Thứ ba, ngày 27/07/2021 16:42 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Vũ Thi Lưu Mai (đoàn Hà Nội), vốn đầu tư công cần được hiểu là từ tiền thuế của Nhân dân, không phải là sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào.

Chiều nay 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Vốn đầu tư công là tiền thuế của Nhân dân

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết Luật Đầu tư công (sửa đổi) được ban hành theo hướng đổi mới, tăng cường phân cấp cho các địa phương. Hiện từ khâu đề xuất dự án đến phân bổ nguồn lực về căn bản được giao cho các địa phương.

Theo đại biểu Mai, bên cạnh những địa phương thực hiện nghiêm túc thì vẫn còn những nơi chưa thực hiện đúng quy trình chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.

"Tôi xin lấy ví dụ vào tháng 2/2020, một số dự án được phân bổ dự phòng xuất phát từ tính cấp bách nhưng cũng chính những dự án đó sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn thì đã không còn là cấp bách. Điều này cho thấy nhiều khi xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan", nữ đại biểu đoàn Hà Nội nói.

Vốn đầu tư công là tiền thuế của Nhân dân, không ai có quyền ban phát - Ảnh 1.

Theo đại biểu Vũ Thi Lưu Mai (đoàn Hà Nội), vốn đầu tư công cần được hiểu là từ tiền thuế của Nhân dân, không phải là sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào

Bà Vũ Thị Lưu Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, có 3.467 dự án chuyển tiếp, song trong đó chỉ có 2.731 dự án có phương án bố trí vốn, còn lại chưa có phương án phân bổ cụ thể.

"Điều này có thể dẫn hệ luỵ là lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt tạo áp lực cho ngân sách giai đoạn tiếp theo khi có nhiều dự án mới bổ sung", bà Mai cảnh báo.

Bà Mai nhấn mạnh vốn đầu tư công cần được hiểu là từ tiền thuế của Nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng là Nhân dân. Đó không phải là sở hữu của bất cứ cơ quan, tổ chức cá nhân nào.

"Tuy nhiên trong quá trình phân bổ nguồn lực đã có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn tự cho mình cái quyền "ban phát". Câu chuyện về cơ chế xin cho không biết khi nào mới kết thúc", bà Mai nói.

Vốn đầu tư công là tiền thuế của Nhân dân

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Đại biểu này cho rằng cần đề cao hơn nữa tính công khai minh bạch trong quá trình thực hiện. Bên cạnh việc động viên những địa phương thực hiện tốt thì cần xử lý nghiêm các địa phương vi phạm đạo đức công vụ trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Siết chặt kỷ luật ngân sách

Cùng quan điểm với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết không khó để thấy được những trăn trở về hoạt động đầu tư công kém hiệu quả thông qua những lá đơn hay ý kiến tại những buổi tiếp xúc cử tri.

"Những câu hỏi về tiến độ thực hiện tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, rồi không ít công trình dự án nghìn tỷ đồng đắp chiếu thua lỗ chưa xong đã hỏng liệu đã được hạch toán chi phí cơ hội nếu không có nó thì sao?", ông Bình nói.

Từ những bất cập thực tế, đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật ngân sách, chấn chỉnh lãng phí đầu tư công, cân đối thu chi, giảm chi thưởng xuyên, tăng vốn đầu tư phát triển…

Vốn đầu tư công là tiền thuế của Nhân dân, không ai có quyền ban phát - Ảnh 3.

Đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh phải siết chặt kỷ luật ngân sách, chấn chỉnh lãng phí đầu tư công

Cũng theo ông Bình, siết chặt kỷ luật ngân sách không chỉ là quản lý chặt thu chi mà cần nhấn mạnh đến thời gian, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nhất là đối với những dự án trọng điểm cấp bách đảm bảo chất lượng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.

"Từ đó cần đề xuất xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu gây khó khăn với người dân và doanh nghiệp. Minh bạch hoá tối đa các dự án đầu tư công. Thực hiện phân cấp giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu", đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.

Cần siết chặt kỷ luật ngân sách

Đại biểu Thạch Phước Bình

Bên cạnh đó, Quốc hội tăng trường giám sát các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Nói thêm về giải pháp, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thẩm tra, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai các dự án đầu tư công. Ông Đức cũng đề xuất, cần tính toán đầu tư vào những dự án có khả năng thu hồi vốn nhanh. Tiếp theo ông Đức nhấn mạnh việc công khai, minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính phiền hà cho các doanh nghiệp, hạn chế những nhà thầu phụ (B-B', C-C'...)

Đáng nhẽ làm nhỏ, lại xin làm to

Sau phần phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phần giải trình trước Quốc hội.

"Lâu nay chúng ta cứ nói đến giải ngân đầu tư công là chúng ta nói đến thể chế. Cứ nói đến thể chế là nói đến Luật Đầu tư công. Xin báo cáo với các vị đại biểu, liên quan đến đầu tư công không phải là chỉ có Luật Đầu tư công mà có rất nhiều các luật khác liên quan, nào đất đai, xây dựng, môi trường, rồi tài chính ngân sách... Thế nên nếu chúng ta chỉ nói một cái thì nó không thể đủ được", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Vốn đầu tư công là tiền thuế của Nhân dân, không ai có quyền ban phát - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đã phân cấp, phân quyền rất rõ từ Trung ương đến địa phương

Về việc phân cấp, phân quyền trong công tác giải ngân vốn đầu tư công mà nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, ông Dũng nhấn mạnh hiện từ khâu lập dự án, lựa chọn dự án, lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, triển khai, bố trí vốn chi tiết hàng năm dự án nào, bao nhiêu tiền đều do địa phương và bộ, ngành làm hết, trung ương bây giờ không làm.

"Trung ương chỉ phân bổ theo nguyên tắc tiêu chí Quốc hội thông qua đối với lĩnh vực này, đối với địa phương này là bao nhiêu trong vòng 5 năm và hằng năm được bao nhiêu dựa trên khả năng thu ngân sách, sau đó về các địa phương chủ động tự bố trí, tự phân bổ", ông Dũng nói.

Nói thêm về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công hiện nay, đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có đề cập đến bệnh thành tích, tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, chạy theo phong trào, chạy theo yêu cầu của nhà đầu tư để chúng ta đề xuất dự án.

Nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, đáng nhẽ làm nhỏ lại xin làm to

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

"Như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án BT, dự án BOT, khu công nghiệp giống như bài học của chúng ta trước đây về các nhà máy mía, đường, nhà máy giấy, xi măng lò đứng... Đây là bài học của chúng ta theo phong trào, không xuất phát từ thực tiễn, không xuất phát từ nhu cầu phát triển, không xuất phát từ khả năng cân đối của ngân sách", ông Dũng phản ánh.

Theo ông Dũng, nhiều dự án chưa cần thiết chúng ta cũng đề xuất, nhiều dự án quy mô quá lớn so với yêu cầu, đáng nhẽ làm nhỏ chúng ta lại xin làm to, không kiểm soát được các định mức đơn giá như tổng mức đầu tư, dẫn đến tổng mức đầu tư đội lên rất lớn, không có khả năng cân đối, rất lãng phí, dẫn đến kéo dài, ảnh hưởng đến dự án.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước