Một dây chuyền may xuất khẩu của Công ty Hansae (Hàn Quốc) tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh:TTXVN)
Cụ thể, trong năm nay cả nước có 1.588 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 15,64 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm ngoái và có 594 lượt dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 4,58 tỷ USD, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong năm nay dù giảm 6,5% so với năm 2013 nhưng lại tăng đến 19% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch 17 tỷ USD).
Đây cũng là một kết quả khá bất ngờ trong bối cảnh 10 tháng đầu năm nay, vốn cam kết của doanh nghiệp FDI luôn thấp hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí ở những tháng đầu năm giảm đến hơn phân nữa.
Tuy nhiên, điều đáng mừng, đó là trong khi vốn đăng ký mới chậm lại thì vốn FDI giải ngân đã tăng tới 7,4% so với năm ngoái và tăng 2,9% so với kế hoạch năm, đạt 12,35 tỷ USD. Đây là mức vốn FDI giải ngân tính theo năm cao nhất từ trước tới nay.
Kết quả này có được là nhờ một số dự án lớn trị giá hàng tỷ USD được cấp phép. Đó là ba dự án của Samsung trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, điện tử và công nghệ cao, và mới đây có thêm dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dewan International của Hong Kong đầu tư tại Khánh Hòa với tổng vốn đăng ký 1,25 tỷ USD. Đây cũng là dự án có quy mô vốn lớn thứ 3 được cấp phép trong năm nay.
Trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam trong năm nay thì Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm là 7,32 tỷ USD (chiếm 36,2%); Hong Kong đứng vị trí thứ hai với 3 tỷ USD (chiếm 14,8 %); Singapore thứ ba với 2,79 tỷ USD (chiếm 13,8%) và Nhật Bản thứ tư với khoảng hơn 2 tỷ USD (chiếm 10,1%).
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm nay lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 774 dự án đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,49 tỷ USD (chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký).
Tiếp đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, lĩnh vực xây dựng đứng vị trí thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD.
Tương tự, hoạt động xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong năm nay đạt 101,59 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2013 và chiếm 68% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 94,41 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm 2013.
Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tính riêng lao động doanh nghiệp FDI đã sử dụng 2,5 triệu lao động và chiếm trên 20% tổng số vốn của nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp GDP lớn ở một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc...
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút đầu tư FDI, ưu đãi cho các doanh nghiệp dựa trên ba trụ cột là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất...
Để nâng cao hiệu quả thu hút FDI trong năm 2015 và những năm tới, Cục trưởng cũng nhấn mạnh xu hướng sắp tới sẽ hướng đến chuyển giao công nghệ nguồn, sản xuất ở chuỗi giá trị cao hơn, nâng cao công tác quản lý... để áp dụng vào thực tế, tăng nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.