Công ty chứng khoán nội: Đổi chủ, đổi vận
Có lẽ nhiều nhà đầu tư sẽ bất ngờ khi biết rằng thị trường Việt Nam đang có đến hơn 70 công ty chứng khoán. Cũng khó trách nhà đầu tư không biết về số công ty còn lại khi top 10 các công ty chứng khoán như SSI, VPS, VNDirect, HSC, MBS… đã chiếm tới 65,78% thị phần. Hàng chục công ty còn lại chia nhau một miếng bánh thị phần nhỏ nhoi.
Vậy tại sao trong một không gian kinh doanh đã chật chội với hiệu quả thấp như vậy vẫn còn nhiều công ty cố tồn tại bám trụ?
Câu trả lời với phần lớn công ty chứng khoán đang hoạt động như không hoạt động là chờ để bán mình. Hiện giấy phép thành lập công ty chứng khoán mới không được cấp mới, với những người chơi mới muốn tham gia sân chơi chứng khoán, họ còn lại lựa chọn duy nhất là mua lại giấy phép của các công ty chứng khoán đang hoạt động và phí tham gia ngày một đắt.
Theo chia sẻ của một số thành viên thị trường, giá một thương vụ mua giấy phép giữa các công ty với nhau khoảng 2 năm trước dao động từ 20 - 30 tỷ đồng, tuy nhiên từ năm 2021 khi thị trường chứng khoán phát triển mạnh về quy mô, con số này cũng tăng chóng mặt. Thậm chí, một nguồn tin đáng tin cậy cho biết có những thương vụ gần đây có giá trị giao dịch lên tới 100 - 200 tỷ đồng.
Sau khi đổi chủ, các công ty chứng khoán cũng có động thái tăng vốn mạnh mẽ như DSC (tiền thân là chứng khoán Đà Nẵng) tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, chứng khoán Phương Đông sau khi thành chứng khoán Tiên phong cũng tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Hay như chứng khoán DNSE (tiền thân là Đại Nam) đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trong tháng 4 và dự kiến niêm yết HOSE trong quý II này.
Dù là người đi sau nhưng các công ty mới cũng đã chuẩn bị sẵn những vũ khí cạnh tranh với lứa công ty cũ bằng tiềm lực tài chính, công nghệ và phí.
Hơn 2 năm COVID-19 cũng là 2 năm thăng hoa của thị trường chứng khoán, thanh khoản tăng gấp 5-7 lần tỷ lệ thuận cùng với đó là lợi nhuận của khối công ty chứng khoán cũng tăng phi mã. Sau khi đổi chủ là việc đổi tên, tăng vốn, tái cấu trúc nhằm đón giai đoạn vàng của thị trường.
Như công ty Chứng khoán Đại Nam, sau khi được mua lại và đổi tên thành Công ty Chứng khoán DNSE cũng mang diện mạo hoàn toàn mới. Lợi nhuận sau thuế 2021 tăng 25 lần so với 2020 trước khi đổi chủ, số lượng tài khoản mở mởi tăng trưởng 10 lần trong 1 năm.
Công nghệ được xem là các công cụ cạnh tranh hiệu quả của các công ty chứng khoán mới. Một số đại diện của lớp công ty chứng khoán mới giờ theo phong cách neo-broker (không môi giới) sẽ phát triển công nghệ lên mức ứng dụng điện thoại chính là một người môi giới, hướng dẫn khách hàng hiểu về chứng khoán, hiểu về đầu tư, thu thập dữ liệu để giúp nhà đầu tư nên biết cắt lỗ và chốt lời.
Ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc CTCP Đầu tư FINPROS cho hay: "Công nghệ và máy tính nó chính xác và nguyên tắc hơn con người. Nó không bị hoảng loạn thái quá, không bị cuốn theo các trào lưu và như thế kiểm soát rủi ro tốt hơn. Nhờ công nghệ và cơ sở dữ liệu ta có thể kiểm chứng các phương pháp đầu tư rõ ràng hơn là theo các phương pháp không chắc chắn".
Ngoài công nghệ, miễn phí giao dịch cũng là một "vũ khí" giành thị phần quan trọng mà một trường hợp thành công tiêu biểu là VPS.
"Đội ngũ môi giới VPS giờ rất đông, thị phần số 1 nhưng trước đấy 1 - 2 năm không ai biết VPS là ai nhưng cái giá đắt đỏ khi chi phí môi giới cao, hiệu quả kinh doanh có thể thấy trên báo cáo là không bằng được SSI hay VND", ông Nguyễn Minh Hoàng, Chuyên viên phân tích cấp cao - CTCP Chứng khoán Nhất Việt cho hay.
Ngân hàng và công ty bất động sản "cũng thích" có công ty chứng khoán
Theo báo cáo năm 2021, VPS báo lãi sau thuế hơn 796 tỷ đồng trong năm 2021, quá khiêm tốn so với doanh thu hơn 9.500 tỷ đồng. Nhưng có thể thấy đây là cái giá nhiều công ty chứng khoán mới sẵn sàng trả để đạt mục tiêu về thị phần, tập khách hàng và quy mô. Đáng chú ý bên đi thâu tóm không chỉ dừng lại ở cá nhân, tổ chức trong ngành chứng khoán mà đang mở rộng ra cả các ngân hàng và tập đoàn bất động sản.
Công ty Chứng khoán Việt Nam Gateway vừa đổi tên thành Công ty Chứng khoán KS (KS Securities), chuyển trụ sở chính về tòa nhà Sunshine Center Hà Nội. Giới chuyên gia cho rằng có thể Tập đoàn Sunshine hoặc các bên liên quan đã trở thành cổ đông nắm quyền chi phối của những định chế tài chính này.
Hay VPBank từng thoái hết vốn khỏi chứng khoán VPS thì mới đây lại đi mua công ty chứng khoán ASC và đổi tên thành chứng khoán VPBank Securities.
Vậy mục tiêu sâu xa của những ông lớn bất động sản và ngân hàng khi thâu tóm công ty chứng khoán là gì?
Gần đây dòng vốn nội đã tham gia cuộc đua mua lại công ty chứng khoán nhỏ với hàng loạt thương vụ. Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Minh Hoàng - chuyên viên phân tích cấp cao, CTCP Chứng khoán Nhất Việt cho hay: "Chúng ta thấy có các tập đoàn bất động sản lớn họ mua lại tổ chức tài chính và công ty chứng khoán, nó liên quan đến kênh thu xếp vốn, họ sẽ không mất chi phí để trả lãi vay cho ngân hàng hay trả lãi vay trái phiếu doanh nghiệp phát hành, giá vốn rất cao 11 - 12%/năm".
"Các sản phẩm của ngân hàng thương mại dần dần sẽ tới hạn (huy động, cho vay…), nhưng khi thị trường tài chính phát triển sẽ có những sản phẩm phức tạp hơn nằm trong mảng ngân hàng đầu tư và khi ngân hàng thương mại mở rộng ra là họ cũng có thêm cơ hội bổ trợ năng lực kinh doanh", ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch Công ty chứng khoán DNSE cho hay.
Ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc CTCP Đầu tư FINPROS nhận định: "Cuộc thâu tóm trong nước đã diễn ra rất mạnh thời gian qua và sẽ còn tiếp diễn thời gian tới, phân hóa dần. Những đơn vị với lợi thế công nghệ kết hợp tập khách hàng sẵn có sẽ chiếm ưu thế mạnh mẽ. Đấy chính là ngân hàng có tệp khách hàng rất lớn, ngoài ra là khả năng liên thông tiền cá nhân giữa ngân hàng và công ty chứng khoán của ngân hàng".
Cuộc đua giữa các công ty chứng khoán cũ và cả mới được dự báo ngày một sôi động và không kém phần khốc liệt. Người hưởng lợi hơn ai hết chính là các nhà đầu tư khi được sử dụng dịch vụ với chất lượng ngày một cao và đa dạng hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!