Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Văn phòng Luật sư Davide Gallasso và Cộng sự cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã giành lại được quyền sở hữu 9 container hàng bị mất chứng từ gốc bằng hình thức đàm phán, xác nhận với phía người mua rằng họ không liên quan đến lô hàng.
Các luật sư đã hết sức nỗ lực làm việc với 1 công ty Italy và được công ty này xác nhận rằng họ không liên quan đến 9 container nói trên và cũng chưa bao giờ mua hàng của Việt Nam.
Dựa vào xác nhận đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã lấy ra được 9 container. Những container này có thể đổi vận đơn để bán cho khách hàng mới trong thời gian rất ngắn, giảm được tổn thất lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã trả tiền bảo lãnh cho công ty vận chuyển để đưa 3 container về Việt Nam.
Cũng liên quan đến vụ việc 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy, một tin vui nữa là đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán lại được 18 container sang Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía luật sư cùng với Thương vụ Việt Nam tại Italy kết nối với các doanh nghiệp Việt kiều có uy tín tại các nước như Italy, Đức, CH Czech, Áo, Bỉ, Hungary hỗ trợ tìm kiếm các nhà phân phối uy tín ở châu Âu để tìm những khách hàng mới. Hiện một số đối tác bày tỏ quan tâm, xem xét mua số hạt điều này.
Qua vụ việc trên, luật sư Davide Gallasso khuyến cáo rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá, cần lựa chọn phương thức thanh toán an toàn, tìm hiểu kỹ đối tác nhập khẩu; đồng thời, nên chủ động trong việc thuê tàu vận chuyển, nghĩa là xuất khẩu theo hình thức điều kiện CNF hoặc CIF. Bởi việc doanh nghiệp chủ động thuê tàu là đã có quyền kiểm soát chứng từ gốc và hàng hoá tốt hơn.
Trước đó, Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước đang có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD sang châu Âu. Các doanh nghiệp lo ngại rằng đây có thể là vụ lừa đảo lớn khi các doanh nghiệp này đều ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italy.
Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đã đến Italy nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.
Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam.
Hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italy, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy không phải bản gốc. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.
Hiệp hội điều Việt Nam đang kêu gọi sự hỗ trợ, can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu, đề nghị các hãng tàu áp dụng biện pháp "Khẩn cấp" - tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.
Hiện Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã tập hợp các thông tin liên quan từ các doanh nghiệp bị hại phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!