Vụ 100 container hạt điều: Bài học cho sự cảnh giác!

Sự kiện & Bình luận-Thứ bảy, ngày 19/03/2022 12:42 GMT+7

VTV.vn - Thương vụ lừa đảo 100 container hạt điều giá trị hơn 20 triệu USD, trong đó 36 container mất quyền kiểm soát hoàn toàn dẫn đến nguy cơ mất trắng số hàng xuất khẩu.

Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19, mọi giao thương của doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị đình trệ, thậm chí là mất khách hàng thì có được những đơn hàng xuất khẩu mới, số lượng lớn, mà lại là ở những thị trường uy tín như tin vui thậm chí là lối thoát của doanh nghiệp. 

Nhưng chỉ cần mất cảnh giác, vội vã thì đây lại chính là dấu chấm cho mọi hy vọng của doanh nghiệp. Vụ việc 100 container xuất khẩu điều trị giá hàng chục triệu USD có thể coi là một ví dụ.

Vụ 100 container hạt điều: Bài học cho sự cảnh giác! - Ảnh 1.

Vụ 100 container hạt điều, các doanh nghiệp đối diện nguy cơ mất hàng trăm tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)

Theo đó trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "Nhờ thu", hay còn gọi là "Trả tiền nhận chứng từ D/P". Rủi ro đã xảy ra khi hiện nay các doanh nghiệp này đang mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc.

+ Doanh nghiệp Việt sau khi làm thủ tục xuất khẩu, lấy được bộ chứng từ từ hãng vận chuyển.

+ Chứng từ sau đó chuyển đến cho ngân hàng tại Việt Nam.

+ Ngân hàng Việt Nam chuyển phát nhanh bộ chứng từ này cho ngân hàng của nhà nhập khẩu ở Italy

+ Nhà nhập khẩu (người mua) sẽ tiến hành thanh toán cho ngân hàng nhập khẩu và nhận bộ chứng từ.

+ Với bộ chứng từ này người mua có thể nhận hàng tại cảng và ngân hàng nhập khẩu tiến hành chuyển giao tiền cho ngân hàng phía Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua Italy đã "không cánh mà bay". Đồng nghĩa với việc người bán Việt Nam đứng trước nguy cơ mất trắng số hàng này vào tay kẻ gian, bởi vì tập quán vận tải hàng hải quốc tế buộc các hãng tàu phải giao hàng cho người nhận hàng khi họ xuất trình vận đơn gốc tới hãng tàu.

Bằng chứng chứng minh lừa đảo?

Rất kịp thời các doanh nghiệp đã nhanh chân giữ lại được đa số các container, chỉ có 36 container là mất kiểm soát. Hiện nay đang nhận được sự hỗ trợ liên tục từ các bộ ngành, cơ quan của Việt Nam trong nước và nước ngoài để sớm giúp doanh nghiệp thu hồi lại được.

Thông tin cập nhật mới nhất vụ việc, theo ông Nguyễn Đức Thanh - Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy, tính đến ngày 17/3, cảnh sát tại Italy đã ra lệnh tạm dừng không giao hàng 16 container hạt điều của Việt Nam đã cập cảng hoặc sắp cập cảng trong vài ngày tới. Như vậy còn 20 container mất kiểm soát bộ chứng từ (tổng trị giá khoảng 86 tỷ đồng). 

"Sau một thời gian ngắn, chúng ta đã giảm nguy cơ thiệt hại gần 100 container với trị giá hàng nghìn tỷ đồng xuống nguy cơ xuống còn 86 tỷ đồng", ông Thanh cho biết.

Theo thông tin được biết là hiện nay có người tự nhận là bên mua đã thuê luật sư và liên hệ với tòa án Italy để đòi trả hàng vì họ có chứng từ gốc. Trong trường hợp mất kiểm soát chứng từ gốc, việc doanh nghiệp xuất khẩu điều chứng minh là chủ sở hữu thực sự lô hàng là không hề đơn giản.

Vụ 100 container hạt điều: Bài học cho sự cảnh giác! - Ảnh 2.

Vụ 100 container hạt điều là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu (Ảnh minh hoạ)

Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy cho biết bên mua đã thuê luật sư và đã liên hệ với luật sư của bên bán (các doanh nghiệp Việt Nam), hãng tàu, toà án để đòi giao hàng khi họ có bộ chứng từ gốc. Hiện nay có ít nhất 1 bộ chứng từ gốc đã được COSCO (hãng giao nhận vận tải) xác định là bộ chứng từ gốc thật. Điều này chứng cứ đầu tiên cho thấy nhóm người lừa đảo ở bên Italy đã bằng cách nào đó bất hợp pháp để có được bộ chứng từ gốc mà chưa trả tiền cho các doanh nghiệp Việt Nam"

"Đây là chứng cứ đầu tiên và rõ ràng nhất về việc lừa đảo và chúng ta có thể dùng làm bằng chứng để tiến hành nhanh các hoạt động điều tra và xét xử tại phía Việt Nam cũng như Italy", ông Thanh nhấn mạnh.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy nhấn mạnh một vụ lừa đảo với quy mô giá trị rất lớn, nhiều doanh nghiệp bị lừa gần như cùng một lúc với những thủ đoạn giống nhau những cũng khá tinh vi song đôi khi cũng rất thô sơ là bài học lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. 

"Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có cán bộ chuyên môn xuất nhập khẩu, thậm chí không có ai giỏi về ngoại ngữ cần liên hệ với thương vụ tại các nước để được hỗ trợ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cùng nhau thuê một cán bộ xuất nhập khẩu để được tư vấn trong khi giao dịch để tránh được rủi ro", ông Thanh khuyến nghị. 

Bài học lớn?

Nói thêm về vụ việc, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đã ủy nhiệm thu cho các ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ (D/P). Vấn đề đặt ra là phải chăng, phương thức này chính là nguyên nhân đẩy các doanh nghiệp vào rủi ro?

Theo ông Ngô Khắc Lễ (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC), phương thức D/P là điều kiện thanh toán rất phổ biến. Ngay cả nhiều doanh nghiệp châu Âu, Mỹ cũng thực hiện phương thức này khi kinh doanh mua bán, hàng hoá xuất nhập khẩu.

"Không thể nói vì phương thức D/P mà dẫn đến rủi ro. Nhiều người nói tại sao không dùng phương thức thanh toán L/C (tín dụng chứng từ)? Kinh doanh là hoạt động linh hoạt và nó phải phù hợp với thực tế. Nếu chỉ bán những container giá trị chỉ vài tỷ đồng mà yêu cầu mở L/C liệu có bao nhiêu khách hàng muốn làm việc. 

"Phương thức này là phổ biến, cần tìm ra những điểm sai sót cần phải khắc phục", ông Lễ nhấn mạnh. 

Vụ 100 container hạt điều: Bài học cho sự cảnh giác! - Ảnh 3.

Theo ông Ngô Khắc Lễ tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, phương thức D/P không phải là nguyên nhân dẫn đến rủi ro

Theo Bộ Công Thương, cả 3 phương thức thanh toán quốc tế hiện nay là: D/P - phương thức thanh toán giao tiền thì giao chứng từ, CAD - phương thức giao chứng từ trả tiền ngay, thì L/C - phương thức thanh toán theo thư tín dụng chứng từ là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng đây không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản. Nên sau vụ việc này doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng hơn khi giao dịch với các đối tác.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, bài học đầu tiên đó là các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta cần hết sức quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trường hợp khách hàng đã vài lần ký hợp đồng và thực hiện, thì chúng ta vẫn phải duy trì quá trình xác minh đó. 

Việc xác minh đó có thể bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó là kênh thông qua các thương vụ Việt Nam tại các nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên dành quyền chủ động soạn thảo hợp đồng, như vậy doanh nghiệp của chúng ta sẽ nắm vứng và hiểu rõ các quy định, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng đó, cũng như các điều khoản liên quan đến miễn trách, liên quan đến bồi thường. Như vậy nếu như sau này xảy ra những vấn đề về tranh chấp pháp lý thì việc xử lý, sẽ giúp chúng ta nắm vững quy trình hơn.

Thực tế từ vụ việc này, theo Hiệp hội Điều Việt Nam, lâu nay thị trường Italy lâu nay rất ít tiêu thụ sản phẩm hạt Điều nhân của Việt Nam, do vậy khi mà đơn hàng từ thị trường này lên tới 74 container với sản phẩm có chất lượng và giá thành cao nhất trong thời gian ngắn, việc thiếu thông tin về khách hàng đã dẫn đến các rủi ro.

Cậu chuyện 100 container điều chỉ là một trong nhiều vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Điều đáng tiếc, các thương nhân Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa đi nước ngoài. Hay thậm chí là năng lực sử dụng ngôn ngữ. 

Việt Nam là một trong quốc gia chủ động hội nhập kinh tế, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn, cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng hơn.

Để hiểu rõ hơn về bản chất vụ việc, các bài học rút ra cho các doanh nghiệp sau vụ việc này? Mời quý vị theo dõi chương trình Sự kiên & Bình luận ngày 19/3. 


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước