Vùng bưởi nguyên liệu sẵn sàng cho xuất khẩu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 20/11/2022 13:07 GMT+7

VTV.vn - Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho việc xuất khẩu lô bưởi đi Mỹ đầu tiên đã cơ bản hoàn thành.

Thời gian gần đây, nông sản Việt liên tục đón nhận tin vui, khi các thị trường rộng mở, từ trái chuối, tổ yến, khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cho đến chanh xanh và bưởi là hai mặt có cơ hội xuất khẩu sang New Zealand. Điều này một lần nữa khẳng định chất lượng nông sản hàng hóa của Việt Nam trên thị trường thế giới. Bưởi là loại trái cây tiếp theo được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ.

Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho việc xuất khẩu lô bưởi đi Mỹ đầu tiên đã cơ bản hoàn thành. Sự kiện này dự kiến diễn ra vào tuần sau. Khoảng 3 tấn bưởi đạt chuẩn tại vườn sẽ được lên tàu và máy bay để xuất sang Mỹ, cùng với đó là nhiều hy vọng về nâng giá trị cho loại nông sản đặc trưng của địa phương.

Vùng bưởi nguyên liệu sẵn sàng cho xuất khẩu - Ảnh 1.

Phân loại bưởi tại cơ sở thu mua bưởi. (Ảnh: TTXVN)

Gần 7 năm chuyên canh bưởi, nhưng chưa bao giờ anh Danh (xã Quới Sơn, Châu Thành, Tiền Giang) lại vui như lúc này, bởi những trái bưởi do chính tay anh chăm sóc sẽ được xuất khẩu sang thị trường khó tính, qua đó chứng minh con đường sản xuất sạch, an toàn của anh là đúng đắn. Hơn một năm nay, thuốc hóa học được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những bầy kiến vàng đóng vai trò tiêu diệt các loài sâu rầy, dịch hại.

Trước nay, nhà vườn bán bưởi chủ yếu qua thương lái và thu mua dạng xô, tức là định giá theo từng đợt thu hái. Đây cũng là nguyên nhân khiến bà con không mặn mà chăm sóc theo các quy trình như VietGAP. GlobalGAP. Chính vì vậy, việc trái bưởi sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ được xem là động lực để nhà vườn an tâm hơn thay đổi quy trình. Nông dân không chỉ canh tác sạch, mà còn được hướng dẫn làm ra những sản phẩm đẹp về hình thức.

"Trái này đạt đi xuất khẩu. Mình thấy tròn đều, trong ruột hồng, ăn giòn, chua chua ngọt ngọt, đặc sản Bến Tre mình đó", anh Phạm Thành Danh, xã Quới Sơn, Châu Thành, Tiền Giang, chia sẻ.

"Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được 43 mã số vùng trồng và 2 mã số cơ sở đóng gói, đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ", ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.

Bến Tre có diện tích trồng bưởi da xanh khoảng 9.400 hecta, sản lượng hằng năm đạt gần 90.000 tấn. Toàn tỉnh có 12 mã số vùng trồng với 170 hecta ở huyện Châu Thành.

Thời gian qua, địa phương đã vận động thành lập và củng cố 32 tổ hợp tác, 9 hợp tác xã. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để hướng bà con sản xuất theo các tiêu chuẩn. Việc lô bưởi xuất khẩu đi Mỹ đầu tiên có nguồn gốc từ Bến Tre càng có ý nghĩa hơn trong việc thúc đẩy chuyển đổi canh tác ở địa phương này.

Nỗ lực nâng chất lượng bưởi xuất khẩu

Xuất khẩu bưởi đi Mỹ, đó là kết quả kiên trì của Việt Nam trong suốt thời gian 5 năm đàm phán. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là thị trường rất tiềm năng, nhưng cũng không dễ tính, chính vì vậy cần khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay. Việc thành lập các trung tâm chế biến sâu, theo chuỗi khép kín... sẽ là bắt buộc, như vậy mới đủ điều kiện để xuất khẩu lô Bưởi đầu tiên sang được thị trường Mỹ.

Nếu như trước kia, bưởi thu hoạch sẽ để ngay trên nền đất thì nay được để trên bạt, cắt cuống cẩn thận và vận chuyển ra điểm tập kết. Trọng lượng mỗi quả đạt từ 1 - 1,7 kg, chia làm 3 loại. Quả sau khi phân loại sẽ được để vào từng sọt, ghi đầy đủ thông tin mã số vùng trồng nhằm truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên do nhà vườn mới chú trọng chuyển đổi qui trình, nên lượng quả đạt chuẩn xuất khẩu còn khiêm tốn.

"Thời tiết nắng, mưa sẽ ảnh hưởng đến bên ngoài trái bưởi. Sau khi nghiên cứu, chúng tôi đã thay đổi chút về bảo quản trước khi thu hoạch, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt hiệu quả cao hơn về mẫu mã", bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho hay.

Để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên, doanh nghiệp này đã đầu tư nhà sơ chế, đóng gói hiện đại, với công suất 50 - 100 tấn/ngày.

"Kiểm tra nguyên liệu đầu vào, trước khi đưa vào máy rửa, quả nào nhiễm vi sinh vật thì loại bỏ, đưa ra khỏi nhà đóng gói", chị Lê Thanh Thùy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Công ty Chánh Thu, cho biết.

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng bưởi khoảng 32.000 ha, sản lượng 369.000 tấn. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để loại trái cây này đi được nhiều hơn đến với thị trường khó tính.

"Mỹ tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây tươi, nhưng họ sản xuất 70%, còn lại 30%, tương ứng 3,6 triệu tấn phải nhập khẩu", ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin.

"Làm như thế nào để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đúng yêu cầu của các nước nhập khẩu để hoàn thiện sản phẩm có giá trị cao, thương hiệu quốc gia, việc giao thương sẽ bền vững", bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, nhận định.

Theo dự kiến, 4 tấn bưởi da xanh sẽ được xuất khẩu bằng đường hàng không và 40 tấn được xuất khẩu bằng tàu biển sang Mỹ, mở ra cơ hội lớn cho nhà vườn Bến Tre nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Trái bưởi Việt Nam xuất sang Mỹ cần đáp ứng điều kiện gì? Trái bưởi Việt Nam xuất sang Mỹ cần đáp ứng điều kiện gì?

VTV.vn - Sau hơn 5 năm đàm phán thì trái bưởi Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước