Đến năm 2030, Vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ trở thành Vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao. Đây là mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các địa phương của vùng đang tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc dòng vốn chất lượng cao tăng trưởng mạnh trên toàn vùng.
Nhà máy sản xuất bảng mạch điện tử và sạc không dây dùng cho ô tô, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Từ 1 nhà máy đầu tư ban đầu, doanh nghiệp đã tăng lên 3 nhà máy với tổng diện tích 24.000m2 khi thấy đầu tư tại Việt Nam hiệu quả cao.
Ông Choi Won Kwon - Giám đốc Tài chính, Công ty DKT Vina cho biết: "Chúng tôi tự động hoá hoàn toàn dây chuyền sản xuất, chúng tôi hài lòng vì kĩ sư Việt Nam đủ khả năng thực hiện các yêu cầu kĩ thuật công nghệ cao. Năm ngoái doanh thu công ty đạt 210 triệu USD, năm nay tiếp tục tăng 30%".
7 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã cấp mới 33 dự án, điều chỉnh 28 dự án, với tổng vốn đầu tư 7 tháng đã vượt kế hoạch cả năm. Đặc biệt, đã thu hút được những dự án đúng trọng tâm, trọng điểm.
Ông Đỗ Hữu Vinh - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: "Đáng chú ý 7 tháng đầu năm 2024 Vĩnh Phúc đã thu hút được 1 số dự án đầu tư lớn, dự án sản xuất linh kiện điện tử BH Flex tăng vốn 45 triệu USD, dự án Kitz Corporation tăng 37 triệu USD".
Các địa phương khác của Vùng Đồng bằng sông Hồng cũng đạt tăng trưởng thu hút đầu tư ấn tượng: 7 tháng, Bắc Ninh đứng đầu cả nước với tổng số vốn gần 3,2 tỷ USD, nổi bật có dự án công nghệ cao từ Tập đoàn Amkor Technology có vốn điều chỉnh trên 1 tỷ USD. Quảng Ninh đứng thứ 2 với kết quả thu hút gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Còn Hải Phòng cũng tỷ lệ của các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao đạt trên 93%.
"Các nhà đầu tư có năng lực về tài chính và vận hành dự án. Ví dụ như tại TP Hải Phòng đã thu hút được các nhà đầu tư trong tập đoàn LG. Góp phần nâng cao hơn nữa đi vào chất lượng công nghệ của tập đoàn và gắn chặt hơn với quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá của Thành phố", bà Trần Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng cho biết.
Với Quy hoạch thu hút đầu tư rõ ràng cho từng địa phương, toàn vùng Đồng bằng sông Hồng hướng đến mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn vùng (GRDP) bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm đến năm 2030, từ đó thu nhập bình quân đầu người sẽ cải thiện đáng kể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!