Vùng nguyên liệu lớn - Yếu tố tiên quyết để đặt nhà máy chế biến nông sản

VTV Digital-Thứ ba, ngày 06/10/2020 06:24 GMT+7

VTV.vn - Theo các doanh nghiệp, vùng nguyên liệu đủ lớn là điều kiện tiên quyết để họ quyết định đặt nhà máy, là động lực cho tổ hợp chế biến nông sản phát triển

Theo thống kê, 10 sản phẩm nông sản trước khi ra thị trường, chỉ 3 được đưa vào chế biến, còn lại chủ yếu sản phẩm sơ chế. 90% dây chuyền công nghệ chế biến ở mức độ trung bình và lạc hậu. 70% cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa có vùng nguyên liệu nông sản tập trung.

Chỉ trong 10 ngày, 2 tổ hợp chế biến rau quả được khởi công và khánh thành

Những con số kể trên đã gần như nói lên thực trạng vừa yếu và thiếu của công nghệ chế biến nông sản từ hàng chục năm nay. Việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào mảng này cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, thực tế này đang dần thay đổi.

Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 9 vừa qua, 2 tổ hợp chế biến rau quả tươi được khánh thành, được khởi công tại tỉnh Sơn La, nơi được coi là trung tâm cây ăn quả mới tại miền Bắc, với tổng mức đầu tư lên tới 1.800 tỷ đồng,

Ngày 20/9 Tập đoàn TH cho vào hoạt động nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược vân hồ. Với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược, bao tiêu sản phẩm cho 15.000 ha vùng nguyên liệu cam.

Ngay sau đó 10 ngày, dự án Doveco Sơn La của Đồng Giao cũng được khởi công. Dự kiến sau 10 tháng tới, một tổ hợp chế biến rau quả sẽ được hoàn thành với quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm và đảm bảo tiêu thụ rau quả cho 40.000 - 50.000 ha rau quả hàng năm.

Vùng nguyên liệu lớn - Yếu tố tiên quyết để đặt nhà máy chế biến nông sản - Ảnh 1.

Nếu làm tốt khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, Sơn La và nhiều tỉnh, thành khác có thể sớm đạt kim ngạch 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản mỗi năm trong thời gian tới. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự có mặt của các dự án chế biến rau quả lớn vừa qua, tỉnh Sơn La đang dần trở thành trung tâm chế biến, sản xuất rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc và chỉ trong thời gian ngắn tới đây, họ có thể xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm.

Các doanh nghiệp cho rằng, Sơn La đang sở hữu vùng nguyên liệu đủ lớn để họ đặt nhà máy chế biến. Chỉ trong 5 năm qua, diện tích cây ăn trái của địa phương đã tăng gấp 3 lần, từ 25.000 ha lên hơn 75.000 ha, đưa tỉnh trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về diện tích cây ăn quả, chỉ sau tỉnh Tiền Giang.

Hiện Sơn La có 11 nhà máy chế biến nông sản lớn. Xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn cho các nhà máy trên là hướng đi trong suốt 5 năm qua của địa phương. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả tăng gấp 3 lần, dự kiến tỉnh sẽ có 1 triệu tấn trái cây mỗi năm.

Để tạo được vùng nguyên liệu ổn định, tỉnh này còn thành lập một tổ chuyên môn phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến trên địa bàn, chỉ đạo trực tiếp từ tỉnh xuống huyện và các xã. Trong khi đó, các cán bộ ngành nông nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất.

Đặc biệt, để đa dạng hóa các sản phẩm cây trồng, đảm bảo nguồn đầu vào quanh năm cho các nhà máy chế biến, tỉnh quy hoạch từng vùng nguyên liệu tập trung khá rõ ràng. Từ đó, các vùng chuyên canh xoài, chanh leo, nhãn… dần dần được hình thành với diện tích hàng ngàn ha trở lên.

Vừa qua, trong hội nghị tổng kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc, Sơn La được xem là điển hình trong việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Doanh nghiệp chủ động đầu tư vùng nguyên liệu, tái cơ cấu cây trồng gắn với thị trường

Chủ động chuyển đổi tái cơ cấu cây trồng, tập trung vào vùng chuyên canh lớn là bước đi táo bạo của một số địa phương thời gian qua đã tạo dựng diện mạo cho các cùng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên để biến sản phẩm đó thành giá trị kinh tế cao lại phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp, vùng nguyên liệu lớn chỉ có thể hình thành khi thực sự có doanh nghiệp đầu tư, thậm chí đầu tư từ trước khi mở nhà máy chế biến.

Mới trồng trên 300 gốc chanh dây từ tháng 2, gia đình chị Thanh (xã Chiềng Sung, Mai Sơn, Sơn La) dự kiến từ nay đến hết vụ nhà chị thu nhập trung bình 300 triệu đồng/ha. So với trước kia trồng ngô, thu nhập gấp 5 - 6 lần. Với hiệu quả kinh tế thấy rõ, sang năm gia đình chị dự kiến tăng gấp đôi diện tích trồng chanh dây.

Vùng nguyên liệu lớn - Yếu tố tiên quyết để đặt nhà máy chế biến nông sản - Ảnh 2.

Xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn cho các nhà máy trên là hướng đi trong suốt 5 năm qua của tỉnh Sơn La. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Gia đình chị Thanh là một trong những mô hình điểm để phát triển vùng nguyên liệu chanh dây cho doanh nghiệp. Nhờ có những mô hình như thế này, nhiều gia đình tại đây thấy yên tâm khi rời bỏ canh tác manh mún trước kia để mạnh dạn đầu tư sản xuất vùng chuyên canh lớn.

Hiện toàn tỉnh Sơn La có khoảng gần 400 hợp tác xã trồng cây ăn trái, các hợp tác xã này một mặt tập hợp người trồng, một mặt ký kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Được biết, doanh nghiệp phải mất 3 năm mới chuẩn bị đủ vùng nguyên liệu, vừa về số lượng và đa dạng mặt hàng, đảm bảo sau khi xây dựng, nhà máy chế biến rau quả của họ đủ nguyên liệu đầu vào.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dung lượng thị trường rau quả thế giới là 360 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng khoảng 3% - 5% mỗi năm, vì vậy dư địa cho phát triển ở Việt Nam còn lớn. Nếu làm tốt khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, Sơn La và nhiều tỉnh, thành khác có thể sớm đạt kim ngạch 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản mỗi năm trong thời gian tới.

Chống mạo danh vùng trồng để xuất khẩu nông sản Chống mạo danh vùng trồng để xuất khẩu nông sản

VTV.vn - Thời gian gần đây, một số mã vùng trồng và mã xưởng đóng gói nông sản đã bị hải quan Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu do vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước