World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% năm 2022

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 14/01/2022 06:28 GMT+7

VTV.vn - Dự báo của Ngân hàng thế giới (World Bank) được xây dựng trên giả định đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước.

Theo báo cáo mới công bố, World Bank dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 5,5% so với 2,6% năm 2021. Mức dự báo của World Bank thấp hơn con số dự kiến của một số tổ chức như HSBC (6,5%), Standard Chartered (6,7%).

Với giả định đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong và ngoài nước, World Bank nhận định khu vực dịch vụ của Việt Nam sẽ dần phục hồi khi người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin. Trong khi lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được hưởng lợi nhờ nhu cầu ổn định từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng sẽ vẫn bền vững, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.

Tuy nhiên, World Bank cho rằng triển vọng này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt là diễn biến chưa rõ ràng của đại dịch. 

“Sự bùng phát của các biến thể mới có thể dẫn đến việc phải tái áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế. Nhu cầu trong nước yếu hơn kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam”, World Bank cảnh báo.

Ngoài ra, nhiều đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kéo dài. Điều này có thể làm chậm sự phục hồi toàn cầu và làm suy yếu nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Song World Bank cho rằng các chính sách ứng phó cẩn trọng có thể giảm thiểu những rủi ro trên. Cụ thể, các biện pháp về chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tổng cầu trong nước, trong đó có tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng chi cho y tế và giáo dục. World Bank cũng nhấn mạnh rủi ro đang gia tăng trong khu vực tài chính cần được giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết.

“Các hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp và triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng”, World Bank đề xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước