Giá bất động sản nhà ở trên toàn cầu tăng mạnh. Ảnh minh họa: Tripadvisor.com
Theo tờ Thời báo phố Wall, giá bất động sản tăng sẽ phần nào hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, giá nhà tăng cao trong thời gian dài sẽ đồng nghĩa với việc sự ổn định tài chính sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.
Số liệu từ chi nhánh tại Dallas của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), năm 2020, giá nhà tại 16 nền kinh tế lớn được cơ quan này theo dõi đã tăng 4,91% - mức tăng mạnh nhất trong 15 năm.
Sự thay đổi này được coi là rất đáng chú ý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái và sụt giảm tới 3,3%. Tuy nhiên, cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ hạ nhiệt.
Thị trường nhà ở tại Mỹ đang thiếu hàng triệu căn nhà so với nhu cầu của người mua. Giá nhà cũng tăng cao ở những khu vực khác như Eurozone, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Canada.
Cơn sốt bất động sản bùng nổ ở hiện tại có sự khác biệt so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Sau thời điểm đó, các ngân hàng bắt đầu thận trọng hơn trong việc cho vay. Tuy nhiên, vào đầu năm ngoái, các ngân hàng lại đẩy mạnh hoạt động này nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ, họ nhanh chóng cắt giảm lãi suất cho người đi vay.
Hơn nữa, các ngân hàng cũng phụ thuộc vào thị trường nhà ở hơn so với trước đây. Ở 18 nền kinh tế phát triển, hoạt động cho vay thế chấp đã tăng từ khoảng 1/3 trong số tổng lượng cho vay của ngân hàng vào năm 1960 lên đến gần 60%.
Nếu không có các biện pháp mạnh tay từ phía chính phủ, các chuyên gia dự báo một bóng ma có thể bao trùm sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!