Xăng tăng giá, muôn kiểu giữ chân tài xế xe công nghệ

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 18/03/2022 09:57 GMT+7

(Ảnh minh hoạ - Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Tăng giá cước, bổ sung nhiều gói hỗ trợ... là những cách mà nhiều hãng xe công nghệ áp dụng để giữ chân tài xế trong bối cảnh giá xăng tăng khiến thu nhập giảm sút.

Tăng giá cước

Từ ngày 10/3, tất cả các dịch vụ của Grab từ 4 bánh đến 2 bánh đều tăng giá. Theo đó, hãng gọi xe công nghệ này sẽ tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Grab cũng tăng giá mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar cũng tăng 2.000-2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Với dịch vụ GrabBike, tại Hà Nội, giá 2 km đầu tiên tăng 1.500 đồng, lên 13.500 đồng, mỗi km sau đó 4.300 (tăng 300 đồng). Mức cước dịch vụ này tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng nhẹ lên 12.500 cho 2km đầu tiên và 4.300 đồng cho mỗi km tiếp theo. Grab cũng đồng loạt áp dụng giá mới cho các dịch vụ khác như GrabExpress, GrabMart và GrabFood.

Theo anh Vũ Trọng Hiển (chạy Grab tại TP Hồ Chí Minh), mức giá cũ đã duy trì trong nhiều năm, nên khi giá xăng tăng cao, mức giá đó không còn phù hợp nữa. Những người có xe hơi đi lại hàng ngày đều biết giá xăng tăng cao, chi phí sẽ tốn kém như thế nào. Tính cụ thể, nếu so giá xăng hiện nay với khi giá xăng ở mức 24.000 đồng, một ngày chi phí chênh lệch tiền xăng của mình là vào khoảng 150.000 đồng. Với một số anh em khác, con số này có thể là 200.000 -300.000 đồng.

"Nói cách khác, với một khoản thu nhập A, trước đây chi phí mình bỏ ra chỉ là 500.000 đồng, nhưng giờ giá tăng thì phải lên tới 650.000 - 700.000 đồng. Vì thế việc hãng xe công nghệ tăng giá cước thì cũng phần nào bù đắp những chi phí mà anh em tài xế phải ráng gồng gánh lâu nay", anh Hiển cho hay.

Xăng tăng giá, muôn kiểu giữ chân tài xế xe công nghệ - Ảnh 1.

Grab và nhiều hãng xe công nghệ đã tăng giá cước trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng thời gian qua

Tương tự, Baemin cũng tăng giá cước từ 10/3. Giá cước mới cho dịch vụ giao đồ ăn của Baemin là 16.000 đồng cho 3km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ đi chợ hộ của Baemin có giá cước mới là 21.000 đồng cho 3km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo.

Để đảm bảo nguồn thu nhập của tài xế, Gojek điều chỉnh giá cước từ 14/3. Cụ thể, cước phí tối thiểu cho 2 km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ GoRide tại TP Hồ Chí Minh điều chỉnh lên 11.000 - 13.000 đồng và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với trước đó. 

Tại Hà Nội, giá cước tối thiểu cho các chuyến xe GoRide tăng lên 13.000 đồng và tăng thêm mức 700 - 1.600 đồng cho mỗi km tiếp theo cho các chuyến xe từ 2 - 4 km. Các chuyến xe trên 4 km có mức tăng thêm 200 - 1.200 đồng cho mỗi km tiếp theo. 

Giá tối thiểu của dịch vụ giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội cũng tăng thêm 1.000 đồng. Hiện giá cước hai dịch vụ GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên. 

Hỗ trợ bảo hiểm

Chưa có động thái tăng giá cước, ứng dụng giao đồ ăn ShopeeFood tung ra một gói ưu đãi xăng dầu để hỗ trợ tài xế trong bối cảnh giá cả biến động. Bên cạnh đó, hãng vừa thông báo triển khai thêm gói bảo hiểm sức khỏe chăm sóc toàn diện cho tài xế nhằm cố gắng đảm bảo quyền lợi cho các đối tác, giúp bác tài yên tâm hoạt động.

Xăng tăng giá, muôn kiểu giữ chân tài xế xe công nghệ - Ảnh 2.

ShopeeFood hỗ trợ gói bảo hiểm sức khoẻ cho tài xế

Cụ thể, khi nhận gói bảo hiểm sức khỏe các tài xế sẽ được hỗ trợ chi phí lên đến 60 triệu đồng trong trường hợp gặp phải các các vấn đề về sức khỏe hoặc rủi ro về tai nạn, giúp tài xế giảm bớt nỗi lo về tài chính. 

Ngoài ra, gói bảo hiểm trên được đánh giá là một trong những gói cạnh tranh nhất hiện nay khi hỗ trợ thêm những quyền lợi đặc biệt cho tài xế như có quỹ hỗ trợ các trường hợp liên quan đến COVID-19, dịch bệnh, quy trình xử lý hồ sơ nhanh gọn, chỉ cần nộp hồ sơ thông qua hình thức trực tuyến, quyền lợi bồi thường bảo hiểm cao,...

Trước đó, các tài xế của ứng dụng này đã và đang được hưởng hai gói bảo hiểm là bảo hiểm tai nạn và gói bảo hiểm tai nạn. 

“Trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, không may mắc bệnh thì tôi và gia đình vẫn yên tâm phần nào về mặt tài chính với các gói hỗ trợ”, chị Ngọc - tài xế lâu năm của ShopeeFood cho hay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước