Đây cũng là những nội dung chính trong hội thảo "Tài sản ảo, tiền ảo - Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề pháp lý" diễn ra ngày 16/9.
Dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp, đây là diễn đàn đa chiều cho việc thiết kế khung pháp luật cho tài sản ảo, tiền ảo tại Việt Nam.
Ethereum, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Bittcoin, hiện có giá trị thị trường là 30 tỷ USD. Với những ứng dụng vượt trội, đồng tiền này đã từng được kỳ vọng sẽ thay thế thanh toán visa trên toàn cầu. Thế nhưng, theo cha đẻ của đồng tiền này, bản thân nó và các đồng tiền mã hóa khác vẫn đang phải vật lộn với việc được nhìn nhận tại các quốc gia.
Hàng loạt dự án tiền ảo đổ vỡ, lừa đảo; hàng nghìn nhà đầu tư bị trắng tay là những câu chuyện cũng đang diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới nhà đầu tư mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến cơ hội phát triển công nghệ này tại Việt Nam.
Trong 5 năm trở lại đây, số vốn được huy động cho các dự án tiền mã hóa đã lên 20 tỷ USD và số lượng dự án tăng gấp nhiều lần qua từng năm. Phát triển chóng mặt, thay đổi liên tục là đặc tính của các loại tài sản, tiền trên nền tảng công nghệ. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia không đưa ra một khung pháp luật cứng và mang tính toàn diện mà thường đưa ra những quy định từng phần linh hoạt theo những biến động của đồng tiền này, đồng thời, áp dụng những hình thức quản lý xã hội đa dạng hơn.
Bộ Tư pháp nhấn mạnh, khung pháp luật là "bà đỡ" thúc đẩy các thành tựu công nghệ 4.0, trong đó có công nghệ liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Với sự tham gia bàn thảo của những chuyên gia, doanh nhân hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền ảo, những ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp nhằm hoàn chỉnh thêm về nội dung của đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý tiền ảo, tiền điện tử tại Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!