Mất gần 8 năm trồng mía nhưng không hiệu quả, anh Nguyễn Văn Cường (thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam với diện tích gần 5ha. Được hướng dẫn kỹ thuật và vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong vụ năm 2017, anh thu về gần 300 triệu đồng/ha từ vườn cam. Đặc biệt, hiện nay sản phẩm cam Lạc Thủy đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây sẽ là đòn bẩy giúp trái cam Lạc Thủy mở rộng được thị trường.
Cũng chuyển từ trồng mía sang cam từ năm 2015, đến năm nay, vườn cam nhà chị Ứng Thị Hồng (thị trấn Thanh Hà) mới cho thu hoạch với diện tích gần 1ha và 700 cây, cho năng suất 15 tấn quả. Chị chia sẻ, trong thời gian đầu trồng chị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự chuyển giao kỹ thuật của Hội Nông dân cùng với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, chị đã từng bước vững tâm sản xuất hơn, đặc biệt khi cam Lạc Thủy đã được khẳng định thương hiệu của mình.
Lạc Thủy là huyện vùng núi thấp của tỉnh Hòa Bình, có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả, cây có múi có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Toàn huyện Lạc Thủy có 800ha trồng cam, một nửa số diện tích này đang trong thời kỳ kinh doanh.
Để xây dựng thương hiệu cam Lạc Thủy, Hội Nông dân huyện đã chú trọng tới việc hướng dẫn bà con áp dụng sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng cho cam. Trong thời gian tới, huyện Lạc Thủy sẽ chú trọng việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, làm tốt công tác quy hoạch vùng và tuyển chọn giống đảm bảo chất lượng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!