Ngày 13/8, sau những phản ánh của các phương tiện truyền thông, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc thương lái nước ngoài lùng mua nhãn tím nhưng công tác bảo hộ giống cây quí vẫn chưa được triển khai. Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc đăng kí bảo hộ, phát triển và bảo vệ các giống đặc sản. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu và xử lí thông tin trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo thống kê, năm 2015, Việt Nam có hơn 300 giống cây trồng các loại được cấp bằng bảo hộ và khoảng 1.000 đơn đề nghị bảo hộ quyền đối với giống cây trồng được chấp nhận. Đến hết năm 2016 đã có 893 đơn đăng kí bảo hộ giống cây trồng với 380 bằng được cấp. Năm 2017, 453 giống, bao gồm 270 giống của chủ thể trong nước, đã được cấp bằng bảo hộ.
Có thể thấy, dù số lượng đăng kí tăng nhưng so với số lượng cây giống khá lớn với chủng loại vô cùng phong phú ở các địa phương, con số vài trăm giống cây được bảo hộ là quá ít. Vụ việc cây nhãn tím cho thấy người nông dân vẫn còn đơn độc trong việc đăng kí bảo hộ cây trồng, xác nhận quyền tác giả.
Vấn đề là ngoài sự nỗ lực của bà con nông dân, sự vào cuộc hỗ trợ của các ngành, địa phương là điều không thể thiếu. Có như vậy, những giống cây trồng độc, lạ mới không đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!