"Bà tôi chỉ có một cái áo. Mẹ tôi có 3. Thế hệ con gái tôi có 50 cái trong tủ. Và một nửa trong số đấy chúng không bao giờ mặc", Jack Ma, người sáng lập và CEO của tập đoàn Alibaba, chia sẻ.
Vừa có nhiều quần áo, lại vừa ít tốn kém, câu trả lời chỉ có thể là thời trang ăn liền. Nhìn vào biểu đồ về sự phát triển của thị trường may mặc toàn cầu, các con số tăng dần đều, với tốc độ 4,78%/năm kể từ năm 2011. Doanh thu trong năm 2017 đạt gần 1,4 nghìn tỷ USD và không cho thấy dấu hiệu chậm lại.
Biểu đồ về sự phát triển của thị trường may mặc toàn cầu.
Nhu cầu mua sắm kích thích sự phát triển của thời trang ăn liền. Và theo chiều ngược lại, thời trang ăn liền cũng khiến chúng ta ngày càng tiêu nhiều tiền vào quần áo hơn.
Nói đến sự thành công của thời trang ăn liền phải kể đến: nguồn cung nhanh; người tiêu dùng mua càng nhanh, các thương hiệu càng sản xuất nhanh. Ví dụ, một sản phẩm mới của Zara được thiết kế tại các kinh đô thời trang như Paris, New York hay Milan sẽ nhanh chóng có mặt trên kệ của Zara.
Thời trang nhanh cũng không khác thức ăn nhanh: sản phẩm dễ gây nghiện, phù hợp, rẻ và có thể tìm thấy ở gần như bất cứ đâu.
Yếu tố quan trọng thứ 2 là giá rẻ. Tại sao phải bỏ 100 USD để mua mỗi 1 cái áo. Trong khi ở chỗ khác mua được 5 cái? Các thương hiệu thời trang ăn liền có thể giữ giá thấp, bằng cách dựa vào các chuỗi cung ứng linh hoạt và dây chuyền sản xuất công nghiệp. Cách thức này hiệu quả đến nỗi các ông trùm bán lẻ truyền thống còn phải chạy theo học tập.
Bắt đầu như một kẻ ngoài cuộc và nay, thời trang ăn liền đang vươn lên lãnh đạo ngành công nghiệp may mặc. Xu hướng thời trang toàn cầu sẽ đi về đâu, chưa ai được biết. Vì chính thái độ của người tiêu dùng mới là yếu tố quyết định tương lai của ngành thời trang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!