Thương mại điện tử đầy tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Cũng như câu chuyện chạy đua để giành thị phần, các hãng bán lẻ truyền thống đang tìm mọi cách lấn sân thương mại điện tử. Trong đó có việc triển khai giải pháp O2O - online to offline.
Các ứng dụng của O2O - online to offline - vào bán lẻ rất đa dạng. Ví dụ như ứng dụng di động của một chuỗi cửa hàng tiện lợi, nếu khách hàng mua đủ 6 ly nước sẽ được miễn phí ly thứ 7 và khi đến lấy ly nước miễn phí này, nhiều khi sẽ mua thêm những món hàng khác. Như vậy tính ra, cửa hàng đã có thêm khách offline - đến mua trực tiếp.
Nhưng mục tiêu lớn hơn để chuỗi cửa hàng tiện lợi 7 Eleven "nhanh chân" triển khai ứng dụng di động O2O tại Việt Nam là nhằm xây dựng và phân tích nguồn dữ liệu hành vi của khách hàng. Từ đây, doanh nghiệp sẽ đưa ra các chương trình đón đầu xu hướng tiêu dùng của khách hàng, và làm marketing, quảng bá trên chính các ứng dụng này.
Các hệ thống siêu thị lâu năm trên thị trường thì đang triển khai O2O ở mức độ cao hơn: cho phép người dùng đặt mua hàng ngay trên các nền tảng công nghệ và giao hàng tận nơi. Những cái tên tiên phong là Aeon, LotteMart hay Coop Mart.
Đại diện LotteMart cho biết lượng người dùng app di động để mua sắm đang tăng trưởng gấp đôi theo tháng.
Việc các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bắt đầu chú trọng đầu tư giải pháp O2O để nhảy vào cuộc đua thương mại điện tử là tất yếu. Bởi theo giới chuyên gia, chính các nhà bán lẻ đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ hàng chục nghìn trang thương mại điện tử đang hoạt động thường xuyên tại Việt Nam.
Tuy nhiên với những ưu thế đặc thù là kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động trên thị trường, có sẵn độ phủ điểm bán lẻ rộng lớn, đa dạng, các nhà bán lẻ vẫn là ẩn số thú vị trong cuộc cạnh tranh thương mại điện tử.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!