Xuất khẩu cà phê đối mặt nỗi lo giảm sản

Kate Trần-Thứ tư, ngày 05/06/2024 17:29 GMT+7

Xuất khẩu cà phê năm 2023/24 của Việt Nam sẽ giảm 20%

VTV.vn - Xuất khẩu cà phê đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong gần nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn cung nên sản lượng xuất khẩu đang có xu hướng tiếp tục giảm mạnh.

Sản lượng cà phê tiếp tục giảm khoảng 20%

Theo thống kê mới công bố của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cà phê đạt 2,9 tỷ USD tăng 44,1% so với cùng kỳ năm trước, dù lượng giảm 3,9%.

Trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê đã ước tính xuất khẩu cà phê của nước ta chỉ ở mức 95.000 tấn, giảm mạnh 36,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam chỉ xuất đi 833.000 tấn cà phê, giảm gần 4% so với 5 tháng đầu năm 2023.

Cũng theo thông tin của bộ này, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.482 USD/tấn, tăng đến 49,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính chung cả niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023), Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,2 triệu tấn cà phê các loại. Con số thống kê trên cho thấy lượng tồn kho còn lại rất ít và giá tiếp tục duy trì mức cao. 

Đáng chú ý, theo dự báo sản lượng cà phê niên vụ sắp tới tiếp tục giảm khoảng 20% do vừa qua nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn gay gắt. 

Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam, xuất khẩu cà phê năm 2023/24 của Việt Nam sẽ giảm 20% so với cùng kỳ xuống còn 1,336 triệu tấn. 

Xuất khẩu cà phê đối mặt nỗi lo giảm sản - Ảnh 2.

Xuất khẩu cà phê năm 2023/24 của Việt Nam sẽ giảm 20%

Tuy nhiên, mới đây, cơ quan dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo ở mức khả quan, cao hơn mức của Việt Nam tự dự báo. Cụ thể, theo FAS, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ mới 2024/25 sẽ giảm nhẹ xuống 27,9 triệu bao từ mức 28 triệu bao, tức là khoảng 1,68 triệu tấn.

Giá cà phê có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lo ngại hoạt động sản xuất cà phê vụ 2024 - 2025 có thể thu hẹp tại các quốc gia cung cấp chính như Brazil và Việt Nam vẫn tiếp tục là nguyên nhân chính hỗ trợ giá Robusta. Trong khi đó, giá Arabica cũng nhận lực đẩy từ đà tăng của Robusta.

Theo ghi nhận trong ngày 4/6 tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 122.000 – 123.500 đồng/kg. 

Nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm từ Việt Nam, nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, là một yếu tố tăng giá trong dài hạn và khá vững chắc.

Như vậy, cà phê nội địa đang hướng về mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào đầu quý II năm nay. Các chuyên gia nhận định, nếu tín hiệu nguồn cung tại Việt Nam và Brazil chưa sớm chuyển biến tích cực, giá cà phê nội địa hoàn toàn có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới.

Dự báo về tình hình xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 này, các chuyên gia cho rằng, giá sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng. Hiện tại, lượng cà phê tồn kho của Việt Nam không còn nhiều, một số chuyên gia ước tính chỉ khoảng gần 300.000 tấn và còn đến khoảng 4 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch niên vụ 2024 - 2025. Điều này cho thấy nguồn cung cà phê của Việt Nam ra thị trường vẫn rất hạn chế.

Theo phân tích của chuyên gia Hiệp hội Cà phê - ca Cao Việt Nam (Vicofa), trên thị trường thế giới, dự báo tháng 6 giá cà phê sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Thị trường tiêu dùng cà phê châu Âu, hiện biến động do sự mất cân bằng cung - cầu từ Việt Nam sau khi sản lượng cà phê Robusta thấp hơn mức trung bình trong niên vụ cà phê 2022/2023, ước đạt 28,5 triệu bao trong niên vụ 2023/2024.

Có thể thấy, mức giá hiện nay vẫn còn rất cao, do những biến động bất ngờ của thị trường, doanh nghiệp cũng chỉ mua từ từ chứ không dám nhập ồ ạt. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, giá cà phê tăng cao liên tục thời gian qua bên cạnh thiếu hụt nguồn cung còn có yếu tố đầu cơ, đẩy giá của các nhà đầu tư tài chính trên sàn.

Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, năm nay nhu cầu trồng cà phê của nông dân tăng cao sau khi giá cà phê tăng. Dẫu vậy, không vì cà phê tăng giá mà bất chấp mở rộng diện tích. Đặc biệt, bà con cần lưu ý đến đạo luật cấm nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với 7 nhóm hàng hóa (trong đó có cà phê), xuất xứ từ phá rừng sẽ có hiệu lực cuối năm 2024.

Cụ thể, nội dung đạo luật nêu, các sản phẩm nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Do đó, người dân cần tuân thủ, không được trồng, canh tác trên phần đất có nguồn gốc đất rừng, tránh phạm phải điều cấm của đạo luật này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước