Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở cấp huyện, cấp tỉnh là yêu cầu bắt buộc để Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Đến nay, cả nước đã xây dựng được gần 2.400 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh tại 55 tỉnh, thành và tham gia vào nhóm các nước xuất khẩu thịt gia cầm thế giới.
Toàn bộ chuỗi trang trại giống, gà thịt và chế biến nằm trên vùng an toàn dịch bệnh của tỉnh Bình Phước. Để xuất khẩu, những năm qua, địa phương và doanh nghiệp phải đảm bảo không có dịch bệnh gia cầm, đồng thời phải tuân thủ các quy định của tổ chức thú y thế giới.
"Sau Nhật Bản, chúng tôi sẽ lên kế hoạch xuất khẩu đi Hàn Quốc và trong năm 2024 có kế hoạch xuất đi Anh và châu Âu", ông Chamnan Wangakkarangku, Phó Tổng Giám đốc Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, chia sẻ.
Dây chuyền chế biến thịt gà tại một nhà máy. (Ảnh: TTXVN)
"Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà. Với lô hàng này, chúng tôi sẽ đưa trực tiếp vào hệ thống siêu thị của Nhật. Sự kiện này đã cho thấy những bước tiến của ngành chăn nuôi Việt Nam", ông Tsuyoshi Kozuki, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Itochu, Nhật Bản, cho hay.
Hiện sản phẩm thịt gà chế biến chín của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 8 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giải pháp để đến năm 2030, Việt Nam có thêm ít nhất 30 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là vấn đề vừa được bàn thảo
"Tiêu chuẩn OIE đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt, như trong vòng bán kính 10 km không có mầm bệnh, 10 năm duy trì không có dịch bệnh lưu hành nên đòi hỏi chúng ta phải làm thường xuyên, liên tục", ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.
"Bộ chỉ đạo Cục Thú y cùng các tỉnh tập trung xây dựng đối với một số bệnh nguy hiểm, tiến tới đưa Đông Nam Bộ trở thành vùng an toàn dịch bệnh để có vùng nguyên liệu lớn gắn với các chuỗi sản xuất, chế biến để xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đến nay cả nước đã có hơn 900 vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia cầm tại 39 tỉnh, thành phố và hơn 1.200 vùng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia súc.
Riêng Đông Nam Bộ có thể cung ứng 200 triệu con gia cầm mỗi năm phục vụ xuất khẩu, tức chiếm gần một nửa tổng đàn gia cầm cả nước. Nguồn cung lớn, ứng dụng công nghệ cao sẽ là cơ sở thuận lợi để Việt Nam mở rộng thị trường sản phẩm chăn nuôi thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!