10 tháng qua, xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn suy giảm từ 2,6% đến 11,6% so với cùng kỳ. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 10 tháng ghi nhận mức tăng 4,7% so với cùng kỳ, đạt 229,27 tỷ USD, tuy nhiên tăng trưởng xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn giảm so với cùng kỳ, do ảnh hưởng của COVID-19 đến tổng cầu hàng hóa.
Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%. Thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,6%. Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, giảm 2,6%. Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, giảm 7%.
Hai thị trường có mức tăng trưởng 2 con số là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm của các thị trường đang có mức tăng trưởng âm. Theo đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14%.
Điện thoại và linh kiện vẫn là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. (Ảnh: Dân trí)
Đến hết tháng 10/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 439,32 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 229,27 tỷ USD, tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2020 tiếp tục đạt thặng dư kỷ lục với con số xuất siêu lên tới 18,72 tỷ USD.
10 tháng qua, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 123,8 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 81,8 tỷ USD, tăng 1,5%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1,5%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,9 tỷ USD, giảm 2,5%.
Điện thoại và linh kiện vẫn là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 42 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,2 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt may đạt 24,8 tỷ USD, giảm 9,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21 tỷ USD, tăng 42%; giày dép đạt 13,4 tỷ USD, giảm 9,9%...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!