Theo đó, trong cả năm 2019, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 3,74 tỷ USD, giảm gần 2% so với năm trước đó. Dù rau quả được xuất khẩu nhiều sang Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan nhưng vẫn khó bù đắp được sự sụt giảm từ thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do quy định các mặt hàng rau quả xuất khẩu phải dán nhãn truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc với quy cách chi tiết. Bên cạnh đó, có một số tình huống như với chôm chôm, do cung không đủ, phải nhập thêm cả chôm chôm Thái Lan nên có tình trạng "ruột một đằng bao bì một nẻo", hay thanh long Việt Nam trùng vụ mùa với Trung Quốc.
Đại diện Bộ Công Thương kỳ vọng, tình hình sẽ được cải thiện trong năm 2020, khi các doanh nghiệp dần quen hơn với những quy định mới, đặc biệt trong đợt trước và sau Tết Nguyên đán là cao điểm xuất khẩu sang Trung Quốc. Về lâu dài, theo tờ Thời báo kinh doanh, để giải quyết "nút thắt" khó cởi của ngành rau quả Việt Nam, cần có quy hoạch để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh hơn nữa bởi quy mô hiện nay còn nhỏ lẻ, diện tích chuyên canh tập trung chỉ chiếm chưa tới 20% tổng diện tích trồng cây ăn quả trên cả nước với chất lượng không đồng đều, dẫn đến khó truy xuất nguồn gốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!